Theo các chuyên gia, thói ăn cắp vặt này là một chứng bệnh tâm lý kỳ lạ.
Hẳn ai trong chúng ta cũng từng nghe thấy tin một ngôi sao nổi tiếng hay tiểu thư con nhà giàu bị buộc tội lấy trộm một món đồ không quá giá trị - một con số nhỏ so với tài sản cũng như danh tiếng của họ.
Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi, phải chăng những người này đang mắc một chứng bệnh kỳ lạ khiến họ có sở thích nghiện ăn cắp vặt đến thế? Hay đó chỉ là thói quen xấu khó bỏ - thó đồ với mục đích làm giàu?
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đi tìm lời giải cho câu hỏi: vì sao nhiều người lại có tính ăn cắp vặt?
Có một sự thật là từ xa xưa đã ghi nhận nhiều trường hợp ăn cắp vặt của người nổi tiếng. Chẳng hạn như vua nước Pháp Henry IV đã từng "tắt mắt" những món đồ nhỏ của các thần dân của mình. Tuy nhiên, thời đó, các chuyên gia không cho đây là bệnh lý mà chỉ là tật xấu khó bỏ mà thôi.
Khi y học phát triển, các nhà khoa học đã phát hiện ra, thói ăn cắp vặt là một chứng bệnh tâm lý mang tên "Kleptomane" - chứng xung đột ăn cắp. Kleptomane xuất hiện từ năm 1890 và bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, "Klepto" là ăn cắp và "mania" là mất trí.
Xung động ăn cắp là một hiện tượng tự nhiên. Theo các chuyên gia tâm lý học, khi một người giàu có "thó" một món đồ trong cửa hàng thì đó là sự minh họa rõ nét cho việc thể hiện cơ chế thầm kín trong bản chất tâm lý người đó.
Khác với việc ăn trộm thông thường, người mắc chứng xung đột ăn cắp thường lấy đồ theo bản năng mà anh ta không cưỡng lại được. Ngay khi lấy xong món đồ thì họ lại dường như quên mất lý do vì sao mình lại lấy và dần lãng quên việc làm này. Những món đồ ăn cắp sẽ bị vứt đi, tặng cho người khác hoặc tích tụ lại một góc.
Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra, hành động ăn cắp vặt thể hiện bệnh lý do ám ảnh từ tuổi thơ, rất khó lý giải nguyên nhân khiến họ không thể kiềm chế thử thách vô hình này. Tuy nhiên có thể khẳng định, ăn cắp vặt có thể được coi là một bệnh lý và là một trong 7 dạng rối loạn ám ảnh cưỡng chế cơ bản.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive Compulsive Disorder - OCD) là một rối loạn tâm lý có tính chất mãn tính. Dấu hiệu phổ biến của bệnh là ý nghĩ ám ảnh, lo lắng không có lý do chính đáng và phải thực hiện các hành vi có tính chất ép buộc để giảm bớt căng thẳng.
Biểu hiện đặc trưng của OCD là chất dẫn truyền thần kinh serotonin của não bộ bị giảm. Serotonin vốn là chất giúp con người kiểm soát bản thân khỏi nỗi lo sợ về những điều không chắc chắn và thiếu ổn định.
Khi chất này giảm, khả năng làm chủ tình hình của chúng ta bị kém đi rõ rệt, ta dễ dàng cảm thấy hoang mang, bất an. Chỉ khi ăn cắp xong, những người này mới lấy lại tinh thần và bình tâm trở lại.