Một nhóm nhà nghiên cứu của Đại học Stanford (Mỹ) đã phát minh ra cách để những người khiếm thị sử dụng màn hình cảm ứng của máy tính bảng như một bàn phím chữ nổi Braille.
Phát minh này bắt nguồn từ một số ý tưởng cơ bản trước đây về làm sao để người khiếm thị có thể tiếp cận với công nghệ thông tin. Thay vì gõ bàn phím hay viết tay, người khiếm thị gõ trực tiếp lên màn hình cảm ứng. Các nhà phát minh đã sử dụng một thiết kế mới lạ cho bàn phím để khắc phục việc thiếu các tính năng hỗ trợ xúc giác.
Ông Sohan Dharmaraja trong nhóm nghiên cứu của Đại học Stanford nói: “Thay vì ngón tay lần tìm phím bấm thì chúng tôi tạo ra các phím tìm tới ngón tay".
Màn hình cảm ứng dành cho người khiếm thị
Khi người dùng đặt 8 ngón tay lên màn hình cảm ứng, bàn phím sẽ xuất hiện. Menu được kích hoạt bằng cách lắc thiết bị và người khiếm thị có thể thực hiện các tương tác phức tạp hơn qua những hoạt động thông thường của tay.
Trong cuộc thi X-Factor style - cuộc thi hàng năm về công nghệ máy tính cho tương lai do Đại học Stanford tổ chức, Adam Duran, một sinh viên của Đại học New Mexico cộng tác với nhóm nghiên cứu, đã thử gõ các công thức toán học và hóa học phức tạp bằng bàn phím cảm ứng do nhóm sáng tạo ra. Kết quả rất khả quan.
Viết chữ nổi Braille thông thường
Giáo sư Lew nói: “Hãy hình dung xem người khiếm thị vào lớp học làm sao để viết được? Đang ở ngoài phố cần ghi số điện thoại thì phải làm sao? Hàng ngày có bao nhiêu là khó khăn đối với người khiếm thị.”
Sử dụng màn hình cảm ứng sẽ tiện lợi hơn nhiều so với viết chữ nổi Braille.
Ông Dharmaraja so sánh: "Máy đánh chữ nổi khá cồng kềnh, có giá từ 3.000 đến 6.000 USD. Còn máy tính bảng rẻ hơn mà lại làm được nhiều việc hơn. Ai biết trước được thiết bị này sẽ làm được những gì nữa. Nó đang mở ra một cánh cửa trước đây chưa từng có cho người khiếm thị ".
Có thể sẽ mất một khoảng thời gian nữa để đưa ứng dụng này của Đại học Stanford đi vào thực tế, nhưng nhóm nghiên cứu đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển trong tương lai.