Mảnh giấy cói tiết lộ cách người Ai Cập cổ đại thử thai

3.500 năm trước, phụ nữ Ai Cập nhận biết mình có con hay không bằng cách trộn nước tiểu vào túi lúa mạch và lúa mì. Nếu hạt nảy mầm nghĩa là họ có thai.

Nhà nghiên cứu Ai Cập Kim Ryholt tại Đại học Copenhagen phát hiện một tờ giấy cói (papyrus) từ thời cổ đại với nội dung hướng dẫn cách nhận biết một người có thai. Khi một phụ nữ muốn biết mình có con hay không, người đó sẽ đi tiểu vào hỗn hợp lúa mạch và emmer (một giống lúa mì của người Ai Cập cổ).

“Nếu chúng nảy mầm, cô ấy sẽ sinh con. Nếu các hạt lúa mạch lớn lên, đứa trẻ là một bé trai. Nếu hạt emmer phát triển, đó là một bé gái. Các hạt không nảy mầm có nghĩa là người phụ nữ không có con”. Đây là đoạn trích được giải nghĩa từ những chữ viết trên tờ giấy cói được tìm thấy mà CNN dẫn lại. Đoạn văn cổ được viết bằng chữ viết hieratic, một dạng chữ thảo khó hiểu của người Ai Cập có niên đại khoảng giữa năm 1.500-1.300 TCN.


Mảnh giấy cói có niên đại 3.500 năm hé lộ về cách người Ai Cập cổ đại thử thai bằng nước tiểu và lúa mạch. (Ảnh: CNN).

Lần đầu tiên văn bản này được dịch là vào năm 1939 do một nhà Ai Cập học người Đan Mạch giải mã. Nhưng tờ giấy cói này chỉ là một trong số 1.400 tờ giấy cói khác mà nhóm nghiên cứu của Đại học Copenhagen (Đan Mạch) tìm ra. Đa phần trong số chúng đều chưa được dịch thuật.

Hứa hẹn những hiểu biết mới

Dịch thuật là một quá trình lâu dài. "Các văn bản hầu như đều bị hư hại, chúng được viết bằng một chữ viết cổ mà ít người có thể đọc được, với những thuật ngữ phức tạp", nhà nghiên cứu Ryholt nói.

Dù vậy, tờ giấy cói hiếm hoi được giải mã đã hé mở điều thú vị về cách người xưa phát hiện một người phụ nữ mang thai. Các thử nghiệm bằng lúa mạch và lúa mì như trên cũng được ghi chép trong một tờ giấy cói khác ở Bảo tàng Ai Cập của Berlin, Đức.


Cách làm của người Ai Cập cổ được nhiều vương quốc khác áp dụng. (Ảnh: Medical History).

Trước đây, nhiều nhà Ai Cập học cho rằng nền văn minh cổ đại không biết đến sự tồn tại của thận. Nhưng nội dung từ tập hợp các mảnh giấy cói lại hé lộ sự thật khác xa so với trí tưởng tượng của giới nghiên cứu. Theo CNN, nhiều tờ giấy cói khác nhau đã viết rõ về cách điều trị các bệnh về mắt như nhiễm trùng, lông mi mọc ngược. Mảnh khác lại ghi chép về phương pháp trộn lẫn máu của một con thằn lằn, một con bò đực, một con lừa cái và một con dê cái thành một hỗn hợp, sau đó nhỏ vào mắt để chữa trị.

70% trường hợp nước tiểu của phụ nữ mang thai làm nảy mầm hạt

Qua nghiên cứu có thể thấy phương pháp thử thai được ghi chép trong tờ giấy cói được khá nhiều vương quốc áp dụng. Sofie Schiødt, một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết họ tìm thấy nhiều dấu vết về cách thử này trong y học Hy Lạp, La Mã, ở Trung Đông thời Trung cổ và các truyền thống y học châu Âu. Một cuốn sách về văn hóa dân gian Đức cũng xuất hiện bài kiểm tra tương tự vào cuối năm 1699.

Theo Andreas Winkler, một nhà Ai Cập học của Đại học Oxford (Anh) giải thích, phương pháp này được tín nhiệm là vì trong thế giới cổ đại, y học Ai Cập rất được kính trọng và được nhiều quốc gia sử dụng.

Khi thử nghiệm tính chính xác của phương pháp thử thai bằng nước tiểu và lúa mì, lúa mạch, 70% trường hợp cho kết quả đúng. Một bài báo được công bố trên tạp chí Medical History năm 1963 cho biết 70% ca thử nghiệm bằng nước tiểu phụ nữ mang thai đã khiến hạt lúa nảy mầm. Dù vậy, họ kết luận cách làm này không đáng tin cậy để phán đoán giới tính của đứa trẻ.

Nguyên nhân của hiện tượng nảy mầm hạt là nồng độ estrogen cao trong nước tiểu bà mẹ kích thích sự tăng trưởng của lúa mì và lúa mạch. Liệu rằng điều này có phải do các bác sĩ Ai Cập cổ đại đã có hiểu biết về hormone trong nước tiểu? Nhà nghiên cứu Sofie Schiødt phủ nhận điều này. Bà cho rằng họ phán đoán thông qua các lần thử nghiệm.

Châu Âu thế kỷ 16 lại nhận biết người mang thai qua màu sắc của nước tiểu. Cụ thể, nước tiểu của phụ nữ mang thai có màu vàng nhạt đến trắng đục. Đến thế kỷ XIX, y học bắt đầu chú ý đến dấu hiệu ốm nghén của phụ nữ để xác định tình trạng mang thai hay không.

Năm 1836, lần đầu tiên dấu hiệu mang thai được quan tâm đến và do một bác sĩ người Pháp đặt vấn đề. Trong khoảng 6-8 tuần đầu thai kỳ, âm đạo có thể mang màu xanh đậm hoặc tím đỏ. Nguyên nhân là sự tăng lưu lượng máu đến bộ phận này.

Năm 1886, trong cuộc họp của Hiệp hội Phụ khoa Mỹ, bác sĩ James Read Chadwick công bố cách nhận biết người mang thai qua màu sắc của vùng kín. Sau đó, nó được gọi là dấu hiệu của Chadwick.

Cập nhật: 03/04/2020 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video