Một phép màu diệu kỳ đã xảy ra với Pat Fletcher - người phụ nữ mất đi thị lực của mình suốt hơn 30 năm do tai nạn.
Điều cuối cùng mà Pat Fletcher – một phụ nữ 21 tuổi – nhìn thấy trước vụ nổ là một bình thép lớn chứa đầy hóa chất đột ngột phình to lên ngay bên cạnh cô. Trong cơn bàng hoàng, cô nhận ra chiếc vòi nhựa trong tay mình đã nóng lên một cách bất thường từ khi nào. Trong một khắc, mọi thứ xung quanh cô trở nên rực sáng, rồi chuyển sang một màu khác – màu xanh của ngọn lửa đã nhấn chìm cơ thể cô.
Khi tỉnh dậy, Pat nghĩ mình vừa trải qua một giấc mơ. Thế giới xung quanh cô lúc này tưởng chừng như không tồn tại một hình dáng đặc thù nào, và rất tối, cứ như cô thấy mình đang chìm trong một làn sương mù dày đặc và u ám vậy. Có lẽ đây là một phần tác dụng của thuốc giảm đau, bởi khi này khuôn mặt cô đã phủ kín những băng gạc. Lát sau một bác sĩ với vẻ mặt nghiêm nghị đến bên giường cô, và cho cô biết mọi chuyện. Pat, trong khi làm việc tại một nhà máy sản xuất lựu đạn, đã gặp phải một tai nạn công nghiệp khi 2 hóa chất bất ngờ phản ứng với nhau và gây ra một vụ nổ lớn.
Cô đã mất đi một nhãn cầu, bên còn lại dù vẫn còn, nhưng có lẽ sẽ không bao giờ thấy được ánh sáng nữa. Theo lời bác sĩ, cô quả thực vô cùng may mắn khi vẫn còn sống, nhưng sẽ mất đi thị lực của mình, vĩnh viễn.
Pat đã sử dụng một phần mềm chuyển thể những thông tin trên màn hình sang dạng audio.
Ba thập kỷ trôi qua, lời của người bác sĩ năm nào giờ đây đã không còn đúng nữa. Chính xác là 25 năm sau, Pat, giờ đang sinh sống tại Buffalo, New York, đang lướt Internet sử dụng một phần mềm chuyển thể những thông tin trên màn hình sang dạng audio. Một điều tưởng chừng như không tưởng đối với Pat đã xảy ra sau khi cô vô tình tìm thấy phần mềm trên, thiết kế bởi một kỹ sư người Hà Lan.
Người kỹ sư này khẳng định, phần mềm có tên gọi "vOICe" của anh thậm chí có thể chuyển đổi từng pixel trên những bức hình thành âm thanh để giúp những người khiếm thị có thể dễ dàng "nhìn thấy" được mọi thứ xung quanh họ. Pat đã từng vô cùng ngờ vực điều này. Cô thậm chí còn cười nhạo nó sau khi nghe thử một bản audio mẫu có tên "soundscape" bao gồm những đoạn nhạc với tone và âm lượng khác nhau, những âm thanh cao thấp phát ra cùng một lúc. Điều này có vẻ khá ngớ ngẩn, chúng chỉ là những âm thành hỗn độn được phát ra một cách khó hiểu mà thôi.
Thế rồi Pat "lắng nghe" bức ảnh một hàng rào dài chạy qua cửa một nhà kho qua bộ loa của mình trong khi đang học. Đột nhiên, thứ gì đó khiến cô ngạc nhiên đến sững sờ. Một điều kỳ lạ đã xảy trong tâm trí cô, một điều khiến Pat thấy về cơ bản là rất khác so với việc đơn thuần chỉ lắng nghe âm thanh.
"Tôi quay người lại và tưởng chừng như mình đang thực sự "thấy" một hàng rào chạy qua trước mắt, để rồi thốt lên: "lạy Chúa, điều gì đang xảy ra thế này?"" Pat hồi tưởng lại khoảng khắc lạ kỳ. "Rồi tôi cảm thấy lạnh toát nơi sống lưng mình".
Điều khó tin ở đây là Pat hoàn toàn có thể cảm nhận được hàng rào đó ở trước mắt, vượt ra khỏi tầm với của cây gậy chỉ đường cô vẫn dùng hàng ngày, vượt ra khỏi những gì cô có thể chạm tới. Chỉ với những tạp âm phát ra từ file audio, bằng một cách diệu kỳ nào đó Pat có thể hình dung ra được hình dáng của hàng rào và cả những khoảng trống giữa những tấm ván. Thế giới của những người khiếm thị thường được mô tả là một nơi đáng sợ với cảm giác bị giam cầm và vô cùng tù túng, bởi tất cả những gì họ có thể cảm nhận được, nhận thức được chỉ dừng lại ở những đầu ngón tay. Thế giới của Pat cũng từng như vậy, nhưng giờ nó đã được mở rộng.
"Bằng cách nào âm thanh có thể làm được một điều tuyệt vời đến vậy?" Pat tự hỏi.
"Chúng đem lại cảm giác như thể mọi thứ là thật vậy", cô nói. "Dãy hàng rào đã ở đó – anh thấy không, cửa vào nằm ở ngay kia – và rồi một chỗ trống nữa, chắc hẳn cánh cửa đã được mở ra...". "Thực sự tôi đã khá sốc. Cảm giác như kiểu ta có thể thực sự bước qua cánh cửa đó vậy".
Phần mềm này chuyển đổi hình ảnh sang âm thanh để người khiếm thị có thể "nhìn thấy" mọi thứ xung quanh.
Pat tới cửa hàng và mua một chiếc webcam nhỏ nhất cô có thể tìm thấy, gắn nó vào một cái mũ bóng chày và kết nối nó với máy tính xách tay của mình. Với đầy đủ những thứ trên, Pat bước ra ngoài hành lang và bắt đầu nhìn xung quanh.
"Cảm giác lúc ấy khiến tôi vô cùng bất ngờ", Pat nói. "Tôi thực sự đã thấy bức tường ở đó, rồi tôi tiến tới gần hơn và chạm vào mành cửa bằng nhựa. Thật không thể tin nổi nữa. Tôi cứ ngỡ mình đã quên mất thế giới trông như thế nào rồi chứ".
Không lâu sau Pat còn có thể thấy các họa tiết trang trí mà cô chưa từng nhận ra trên chiếc cốc mình đã sử dụng suốt nhiều năm trời. Cô ngỡ ngàng đắm chìm vào những bức họa tường trong phòng khám của bác sĩ nha khoa và còn có thể thấy những chiếc lá rung rinh trên cành cây ngoài cửa sổ. Cô thấy được khuôn mặt của những người mình vẫn thường gặp hàng ngày, dù chúng vẫn còn khá mờ nhạt.
Sau những trải nghiệm đáng kinh ngạc của mình, Pat quyết định sẽ nâng cấp các thiết bị của mình. Cô mua một chiếc kính với camera nhỏ giấu kín đặt ngang tầm mắt và sử dụng nó hằng ngày. Giờ đây cô chỉ dùng tới chiếc gậy chỉ đường mỗi khi xảy ra những sự cố kỹ thuật với thiết bị của mình.
Bốn năm sau, một điều kỳ diệu nữa lại đến với cuộc đời Pat. Trước ngày này, khi bước vào phòng, Pat chỉ nhìn thấy mọi thứ như đang nhìn vào một bức tranh 2D, không chút chiều sâu. Một lần khi đang rửa bát, Pat chợt nhìn xuống dưới bồn – mọi khi chỉ là một hình vuông phẳng không hơn không kém – và nhận ra từ khi nào cô đã lấy lại được nhận thức về chiều sâu của mình.
Pat mua một chiếc kính với camera nhỏ giấu kín đặt ngang tầm mắt và sử dụng nó hằng ngày.
Pat Fletcher đã trải nghiệm một điều không tưởng, một điều trái ngược hoàn toàn với những gì lý thuyết khoa học đã chứng minh, những gì xưa nay ta từng biết. Làm sao một người có thể "nhìn" bằng tai của họ? Làm sao não bộ của một người đột nhiên lấy lại được khả năng cảm nhận chiều sâu không gian vốn đã mất từ lâu, chỉ trong nháy mắt?
Ấy vậy mà các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã chứng minh rằng trải nghiệm của Pat là hoàn toàn hợp lý. Vài năm trước, một người phụ nữ 58 tuổi, với thiết bị đặc biệt của mình đã tới Boston để thực hiện một vài xét nghiệm tại trường Y trực thuộc Đại Học Harvard. Ở đây, Pat được đặt nằm lên trên một bàn lớn dần đưa cô vào máy MRI, thứ có khả năng tính toán lượng oxy được sử dụng cho các phần khác nhau trong não bộ con người. Sau đó Các bác sĩ cho cô lắng nghe một bản "soundscapes".
Tuy đã hoàn toàn mất đi thị lực của mình, bằng một cách nào đó khi cô lắng nghe "soundscapes", vùng não bộ kết nối với khả năng nhìn đột nhiên trở lại hoạt động bình thường. Trong khi đó, khi Pat chỉ lắng nghe những âm thanh rất bình thường – thí dụ như khi một nhà nghiên cứu lắc nhẹ chùm chìa khóa của mình cạnh cô – phần não liên kết với thính lực của cô trên màn hình lại sáng lên. Có vẻ như não bộ của Pat đã phân biệt được giữa những âm thanh thường và "soundscapes", qua đó kích hoạt chính xác vùng não sử dụng cho việc quan sát – kể cả khi tất cả những âm thanh kia đi vào tai cô cùng một lúc.
Một chuỗi những thí nghiệm tiếp theo đã xác nhận điều này. Pat Fletcher, một người mất đi thị lực trong hơn 30 năm, đã có thể nhìn thấy thế giới bằng đôi tai của mình. Não bộ của cô đã phục hồi được chức năng ban đầu của nó, bằng một cách thật diệu kỳ.