Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra thứ mà họ tin là một trong những "ngôi đền Mặt trời" từng biến mất của Ai Cập, có niên đại khoảng 4.500 năm.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra những phần còn lại của "ngôi đền Mặt trời" bên dưới một ngôi đền khác ở Abu Ghurab, cách Cairo khoảng 17km về phía nam, ông Massimiliano Nuzzolo, trợ lý giáo sư về Ai Cập học tại Viện Văn hóa Địa Trung Hải và Phương Đông của Học viện Khoa học Ba Lan ở Warsaw chia sẻ với CNN.
Ngôi đền Mặt trời vừa được phát hiện được xây bằng gạch bùn với đá. (Ảnh CNN).
Năm 1898, các nhà khảo cổ làm việc tại địa điểm này đã phát hiện ra đền thờ Mặt trời thời Nyuserra, còn được gọi là Neuserre hoặc Nyuserre, vị vua thứ 6 của triều đại thứ 5, người trị vì Ai Cập từ năm 2400 đến 2370 trước Công nguyên.
Giờ đây, họ phát hiện ra rằng, đền thờ Mặt trời này hóa ra được xây dựng phía trên một đền thờ Mặt trời khác, từng tồn tại trước thời Nyuserra.
Các phát hiện bao gồm những con dấu khắc tên của các vị vua trị vì trước Nyuserra, từng được dùng làm nút đậy bình, cũng như chân đế của hai cột đá vôi, là một phần của cổng vào và một ngưỡng cửa bằng đá vôi.
Ông Nuzzolo cho biết, đền thờ Mặt trời vừa được phát hiện có kích thước rất ấn tượng, nhưng vua Nyuserra đã phá hủy nó để xây dựng đền thờ Mặt trời của riêng ông.
Các nhà khảo cổ học muốn tìm hiểu vị vua nào chịu trách nhiệm xây dựng ngôi đền 4.500 năm tuổi này. (Ảnh CNN)
Những ngôi đền này được dành để thờ thần Mặt trời và các vị vua đã hợp pháp hóa quyền lực của họ thông qua ngôi đền của riêng họ và tự cho mình là con trai duy nhất của thần Mặt trời trên Trái đất, ông Nuzzolo cho biết.
Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ tìm ra vị vua nào chịu trách nhiệm xây dựng ngôi đền 4.500 năm tuổi thông qua các cuộc khai quật bổ sung.
Đặc biệt, "nghiên cứu đồ gốm sẽ cho phép họ tìm hiểu thêm về cách mọi người sống vào thời điểm đó, bao gồm cả những gì họ đã ăn và những gì họ tin tưởng", ông Nuzzolo nói thêm.