Màu xanh nước biển, vốn thường được cho là tạo cảm giác thư thái, lại có thể khiến cho người ta trở nên sáng tạo và mạo hiểm hơn. Trong khi màu đỏ lại khiến cho người ta tập trung hơn.
Trong một nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí khoa học Science, các nhà khoa học của ĐH British Columbia, Canada đã thực hiện thí nghiệm nghiên cứu tác động của hai màu xanh dương và đỏ trên một nhóm tình nguyện viên.
Các thí nghiệm bao gồm những công việc cần nhiều trí óc như giải đố chữ, nhớ từ vựng và thiết kế đồ chơi.
Nghệ sĩ nhạc Jazz chơi những bản ngẫu hứng đầy sáng tạo trong một không gian bao trùm màu xanh. |
Kết quả, màu đỏ - thường được gắn với sự nguy hiểm, lời cảnh báo và các lỗi sai khiến các tình nguyện viên trở nên cẩn trọng và lo ngại rủi ro nhiều hơn.
Trong khi đó, màu xanh dương, thường được gắn với sự cởi mở, hòa bình và sự tĩnh lặng lại khiến cho họ trở nên mạo hiểm hơn.
Nhiều thí nghiệm đã được thực hiện trên máy tính, trong đó các tình nguyện viên ngồi trước một màn hình có nền màu xanh, đỏ hoặc màu khác và giải quyết các câu hỏi được đặt ra.
Trong một thí nghiệm, 42 tình nguyện viên được phát mỗi người một tờ giấy có hình 20 bộ phận khác nhau và được yêu cầu sử dụng 5 trong số đố để thiết kế một thứ đồ chơi cho trẻ em.
Tiến sĩ Rui Zhu, người đứng đầu nghiên cứu cho hay: “Đồ chơi do những người ngồi màn hình đỏ thiết kế được đánh giá là có tính thực tế và hợp lý hơn của những người ngồi màn hình xanh dương, nhưng đồng thời cũng kém phần độc đáo và ít mới lạ hơn”
Các quán KFC có màu chủ đạo là màu đỏ nhằm làm cho khách hàng tập trung vào việc ăn uống, từ đó tăng lượng thực khách. |
Các nhà nghiên cứu cho rằng con người ta học cách liên hệ màu sắc với những trạng thái tinh thần khác nhau, và rằng tác động của những màu sắc này có thể thay đổi tùy theo từng nền văn hóa.
Trong báo cáo, họ viết: “Các kết quả của nghiên cứu gợi ý rằng tùy theo bản chất của công việc mà mỗi màu sắc sẽ có lợi ích khác nhau”.
“Nếu như công việc yêu cầu sự chú ý và thận trọng, chẳng hạn như ghi nhớ những thông tin quan trọng hay nắm bắt tác dụng phụ của một loại thuốc mới thì màu đỏ có thể sẽ rất thích hợp. Nhưng nếu như công việc cần đến sự sáng tạo và trí tưởng tượng, như là thiết kế một cửa hàng nghệ thuật hoặc khi suy nghĩ về ý tưởng cho một sản phẩm mới thì màu xanh dương lại có lợi hơn”.
Các nhà nghiên cứu nói rằng điều này có thể được ứng dụng ở khắp mọi nơi, từ màu sắc của những lời cảnh báo trên nhãn thuốc, đến việc thiết kế văn phòng, lớp học hay biển báo.
Các nhà thiết kế nội thất cũng đã sử dụng màu sắc từ rất lâu nay để tác động đến tâm trạng con người. Chẳng hạn như các bệnh viện thông thường đều được sơn màu xanh dương hoặc xanh lục để đem đến sự thư thái, còn các quán ăn nhanh thì sử dụng màu đỏ để khiến mọi người ăn nhanh hơn.