Máy bay bí ẩn của Không quân Mỹ ở 600 ngày trên quỹ đạo

Chiếc máy bay vũ trụ X-37B bí ẩn của Không quân Mỹ đã trải qua 600 ngày trên quỹ đạo Trái Đất trong nhiệm vụ mới nhất, gần đạt kỷ lục ở lâu nhất trong vũ trụ của chương trình.

Máy bay điều khiển tự động X-37B cất cánh trên lưng tên lửa Atlas V của công ty United Launch Alliance khởi hành từ căn cứ không quân Cape Canaveral ở Florida, Mỹ, ngày 20/5/2015 trong nhiệm vụ thứ 4 có tên gọi Orbital Test Vehicle-4 hay OTV-4 của chương trình, theo Live Science.

Nếu chiếc máy bay không người lái này lưu lại thêm 74 ngày trong không gian, nó sẽ phá vỡ kỷ lục do nhiệm vụ OTV-3 tiếp đất vào tháng 10/2014 lập ra. Tuy nhiên, thông tin về thời gian bay của OTV-4, mục đích bay quanh Trái Đất của máy bay X-37B và các chi tiết khác về nhiệm vụ hoặc thiết bị chở trên máy bay, vẫn được giữ kín.

Nhiệm vụ OTV đầu tiên bắt đầu ngày 22/4/2010 và kết thúc ngày 3/12 cùng năm với 224 ngày trên quỹ đạo. OTV-2 cất cánh ngày 5/3/2011 và hạ cánh ngày 16/6/2012 sau 468 ngày trên quỹ đạo. Nhiệm vụ OTV-3 lập kỷ lục với gần 675 ngày bay quanh Trái Đất từ ngày 11/12/2012 đến 17/10/2014. Cả ba nhiệm vụ OTV trước đây đều tiếp đất tại căn cứ không quân Vandenberg ở California, Mỹ, nhưng OTV-4 có thể hạ cánh ở nơi khác.


Máy bay X-37B đã ở 600 ngày trên quỹ đạo Trái Đất. (Ảnh: AFP).

Không quân Mỹ đang xúc tiến thống nhất hoạt động của máy bay vũ trụ X-37B, bao gồm sử dụng Trung tâm bay vũ trụ Kennedy (KSC) ở Florida làm địa điểm hạ cánh cho phương tiện. Một cơ sở tàu con thoi trước đây của KSC mang tên Orbiter Processing Facility-1 (OPF-1) được sửa thành công trình cho phép Không quân Mỹ hạ cánh, phục hồi, tân trang và phóng lại hiệu quả phương tiện thử nghiệm trên quỹ đạo X-37B, theo đại diện công ty hàng không vũ trụ Boeing.

Việc phát triển phương tiện X-37B do Boeing Space and Intelligence Systems ở El Segundo, California, phụ trách. Đây là trung tâm của Boeing chuyên nghiên cứu các hệ thống thử nghiệm và không gian, cũng như các vệ tinh thương mại và chính phủ.

X-37B trông giống như phiên bản thu nhỏ của mẫu tàu con thoi đã ngừng sử dụng của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ. Chiếc máy bay chỉ dài 8,8m, cao 2,9m, sở hữu sải cánh gần 4,6m. Trong khi đó, tàu con thoi dài tới 37m và có sải cánh 24m.

X-37B có khoang chở hàng lớn bằng khoang xe bán tải có thể trang bị cánh tay robot. Chiếc máy bay có trọng lượng khi phóng đạt 4.990 kg, hoạt động nhờ pin Mặt Trời làm bằng vật liệu bán dẫn gallium arsenide (GaAs) và bộ pin lithium-ion.

Một số thiết bị trên máy bay OTV-4 được xác định bao gồm động cơ đẩy XR-5A Hall Thruster của công ty Aerojet Rocketdyne và những vật liệu cao cấp trong quá trình thử nghiệm của NASA.

Thử nghiệm thiết bị là một trong những mục đích chính của các nhiệm vụ OTV cùng với phát triển công nghệ tàu vũ trụ tái sử dụng, theo các nhà chức trách Không quân Mỹ. "Đây vẫn là một cách hữu ích để kiểm tra mọi thứ", Winston Beauchamp, phó thư ký về vũ trụ của Không quân Mỹ, cho biết tại cuộc gặp của Viện Hàng không và Vũ trụ Mỹ (AIAA) tại Long Beach, California, hồi tháng 9 năm ngoái.

Khi được hỏi về khả năng bổ sung X-37B vào đội máy bay, Beauchamp cho biết số lượng phương tiện hiện tại đủ đáp ứng yêu cầu của Không quân Mỹ.

Cập nhật: 11/01/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video