Máy bay chở 189 người rơi xuống biển ở Indonesia

Máy bay của hãng hàng không Indonesia Lion Air gặp nạn chỉ 13 phút sau khi cất cánh và mất liên lạc với đài không lưu.

Chuyến bay JT610 của hãng hàng không quốc gia Indonesia Lion Air khởi hành từ sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở Jakarta, tới Pangkalpinang, tỉnh Bangka Belitung, mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu lúc 6h33 (giờ địa phương) sáng nay, theo Reuters.

Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc gia sau đó xác nhận máy bay đã đâm xuống biển. Có 189 người trên khoang, trong đó có hai trẻ sơ sinh, một trẻ nhỏ, hai phi công và 6 tiếp viên.

Bộ Tài chính Indonesia cho biết ít nhất 23 quan chức nước này có mặt trên chuyến bay của Lion Air.


Đường bay thực tế của máy bay Lion Air gặp nạn sáng nay. (Ảnh: Flightradar24).

Máy bay liên tục tăng giảm độ cao, xin quay đầu

Máy bay rời Jakarta lúc 6h20 và dự kiến hạ cánh lúc 7h20 tại Pangkalpinang. Yusuf Latif, phát ngôn viên Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc gia, cho hay phi cơ gặp nạn chỉ 13 phút sau khi cất cánh và lao xuống vịnh Karawang, cách khoảng 3,7 km từ vị trí mất liên lạc với đài không lưu. Vùng nước nơi nó rơi xuống có độ sâu khoảng 30 - 35m.

Theo chuyên trang theo dõi máy bay Flightradar 24, dữ liệu ban đầu cho thấy JT610 đã tăng độ cao lên khoảng 1.524 mét trước khi hạ thấp rồi bay lên lại và cuối cùng đâm xuống biển.

Lúc mất tín hiệu, phi cơ được cho là đang bay ở độ cao 1.113 mét và đã tăng tốc lên 345 hải lý/h (640km/h).

Yohanes Sirait, phát ngôn viên cơ quan hàng không Indonesia, cho biết máy bay đã xin phép quay đầu lại sân bay trước khi mất liên lạc. "Đài kiểm soát không lưu đã cho phép nhưng sau đó mất liên lạc với máy bay", ông nói.

Tìm thấy nhiều mảnh vỡ máy bay giữa biển


Một mảnh vỡ máy bay mà lực lượng cứu hộ thu thập được. (Ảnh: Twitter).

Các nguồn tin từ cảng Tanjung Priok, phía bắc Jakarta, cho hay xác máy bay đã được tìm thấy. Suyadi, nhân viên điều phối tàu ở cảng, kể rằng lúc 6h45, ông nhận được tin một tàu kéo phát hiện máy bay bị rơi.

"Lúc 7h15, tàu kéo báo cáo rằng đã tiếp cận được hiện trường và thủy thủ đoàn đã nhìn thấy xác một máy bay", Suyadi nói với Jakarta Post, nhưng chưa rõ tình trạng của các hành khách trên khoang.

Một tàu chở hàng và một tàu tìm kiếm cứu nạn cũng đang trên đường đến hiện trường. Mảnh vỡ và ghế ngồi máy bay được cho là của JT610 đã được phát hiện gần một cơ sở lọc dầu ngoài khơi.

Phi cơ gặp nạn đạt tiêu chuẩn an toàn


Máy bay Boeing 737 của Lion Air. (Ảnh: Airline Ratings).

Lion Air Group xác nhận chuyến bay chở 189 người rơi xuống biển Java, phía bắc đảo Java và được tin là đã bị chìm. Cơ trưởng và cơ phó đã bay tổng cộng 11.000 giờ.

Máy bay gặp nạn là chiếc Boeing 737 MAX 8 đạt các tiêu chuẩn về an toàn, mới được chuyển giao cho Lion Air vào tháng 8 năm nay. Mẫu máy bay này có thể chở tới 200 hành khách.

Đây là tai nạn đầu tiên của dòng máy bay Boeing 737 MAX, phiên bản nâng cấp và tiết kiệm nhiên liệu của dòng Boeing 737 ra đời năm 1968. Chiếc 737 MAX đầu tiên được đưa vào vận hành năm 2017.

Hãng Boeing cho biết đã nhận được thông tin về vụ tai nạn và "đang theo dõi sát sao" tình hình.

Chỉ xác định được nguyên nhân khi tìm thấy hộp đen

Soerjanto Tjahjon, quan chức tại Ủy ban An toàn Giao thông Indonesia cho biết nhà chức trách cần phải tìm thấy hộp đen, thiết bị ghi âm buồng lái và dữ liệu chuyến bay.

"Chúng tôi sẽ thu thập toàn bộ dữ liệu từ tháp kiểm soát không lưu. Máy bay rất hiện đại, trong quá trình bay vẫn liên tục truyền dữ liệu và chúng tôi sẽ kiểm tra lại, nhưng quan trọng nhất vẫn là hộp đen", ông Soerjanto nói.


Người thân của hành khách trên chuyến bay số hiệu JT610 của Lion Air bật khóc tại sân bay Depati Amir ở Pangkal Pinang, Indonesia sau khi nghe tin máy bay gặp nạn. (Ảnh: Reuters).

Vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng gần đây nhất ở Indonesia xảy ra vào tháng 12/2014, khi chiếc Airbus A320 của hãng AirAsia lao xuống biển sau khi cất cánh từ Surabaya đi Singapore, làm toàn bộ 162 người trên khoang thiệt mạng.

Cập nhật: 29/10/2018 Theo VNE
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video