Ngày 9/3, chiếc máy bay hoạt động bằng năng lượng mặt trời Solar Impulse 2 đã khởi hành chuyến bay đầu tiên vòng quanh thế giới.
>> Chuyến đi dài nhất của máy bay năng lượng Mặt Trời
Chuyến bay vòng quanh thế giới đầu tiên bằng năng lượng Mặt Trời
Chiếc Solar Impulse 2 sẽ cất cánh từ Abu Dhabi, thủ đô của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và kết thúc chặng bay đầu tiên tại Muscat, thủ đô của Omani. Dự kiến hành trình sẽ kéo dài năm tháng với tổng chặng đường 35.000 km. Dự án được thực hiện nhằm thu hút sự chú ý của thế giới đến nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng này, qua đó giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Chiếc máy bay này chỉ có trọng lượng 2.300 kg, tương đương với một chiếc xe con nhưng lại có sải cánh 72 m giống một chiếc máy bay chuyên dụng chở người lớn nhất, thậm chí dài hơn cả chiếc Boeing 747 (68,5 m). Trên cánh của Solar Impulse được lắp 17.000 tấm pin năng lượng mặt trời dùng để cung cấp năng lượng cho máy bay. Đồng thời, nó cũng được trang bị pin lithium-ion để sử dụng vào ban đêm.
Hành trình bay sẽ kéo dài trong 25 ngày, chia thành 12 chặng với vận tốc 50 – 100 km/h. Dự kiến chuyến bay sẽ dừng chân tại Ấn Độ, Myanmar và Trung Quốc trước khi băng qua Thái Bình Dương và bay trên khắp Hoa Kỳ rồi đến Nam Âu, cuối cùng sẽ trở lại điểm khởi đầu Abu Dhabi.
Hai viên phi công Bertrand Piccard và Andre Borschberg sẽ luân phiên điều khiển chuyến bay. Máy bay được kết nối với một trung tâm điều khiển đặt tại Monaco.
Tổng thời gian nghiên cứu, thiết kế và chế tạo chiếc máy bay này lên đến 12 năm. Vào năm 2009, phiên bản đầu tiên của loại máy bay hoạt động bằng năng lượng mặt trời có người lái này đã được tung ra và lập kỷ lục về độ cao và khoảng cách chặng bay.
Viên phi công người Thụy Sĩ Bertrand Piccard cho biết: "Năng lượng tái tạo, điển hình như năng lượng mặt trời có thể tạo nên điều kỳ diệu. Chúng tôi muốn chứng tỏ rằng một chiếc máy bay có thể bay cả ngày lẫn đêm mà không cần đến một giọt nhiên liệu nào". Bertrand cũng đã từng thực hiện hành trình vòng quanh thế giới đầu tiên trên một khinh khí cầu vào năm 1999.
Dự án được thực hiện bởi các công ty Bayer AG, Solvay, ABB, Schindler, Omega và Abu Dhabi's Masdar.