Máy Gia tốc Hạt lớn nhất thế giới (LHC) phát hiện 5 hạt hạ nguyên tử mới có thể giúp giải thích cách thức trung tâm nguyên tử gắn kết với nhau.
5 hạt hạ nguyên tử mới được phát hiện là các phiên bản năng lượng cao của hạt baryon omega-c, cấu tạo bởi 2 quark lạ (strange) và 1 quark duyên (charm). (Ảnh: BBC.)
Các nhà vật lý làm việc với Máy Gia tốc Hạt lớn (LHC) công bố phát hiện 5 hạt hạ nguyên tử mới. Chúng là một trong những dạng khác nhau của hạt Omega-c baryon, BBC hôm 20/3 đưa tin. Sự tồn tại của những hạt này từng được các nhà khoa học dự đoán vào năm 1994 nhưng chưa thể chứng minh cho đến bây giờ.
Phát hiện trên sẽ làm sáng tỏ sự vận hành của lực tương tác mạnh, gắn kết thành phần bên trong nguyên tử. Hạt nhân của nguyên tử chứa neutron và proton. Chúng lần lượt được tạo thành từ các hạt quark với tên gọi hơi khác thường, đó là quark lên (up) và quark xuống (down), liên kết với nhau bởi lực hạt nhân mạnh.
Omega-c baryon thuộc cùng một nhóm hạt giống như neutron và proton, nhưng lại cấu tạo bởi các quark lạ (strange) và quark duyên (charm). Đây là những phiên bản nặng hơn của quark lên (up) và quark xuống (down).
Kể từ khi phát hiện hạt Omega-c baryon, giới khoa học cho rằng chúng có những phiên bản nặng hơn và hiện tại các nhà vật lý tại Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) đã tìm thấy chúng.
"Đây là một khám phá đáng chú ý, làm sáng tỏ cách thức các hạt quark kết hợp với nhau. Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về proton và neutron, cũng như các trạng thái đa quark kỳ lạ như pentaquark và tetraquark", Greig Cowan, chuyên gia tại Đại học Edinburgh, Anh, làm việc trong thí nghiệm LHCb của CERN, cho biết.
Máy Gia tốc Hạt lớn (LHC) là máy gia tốc hạt lớn nhất và cung cấp gia tốc mạnh nhất thế giới do CERN xây dựng. LHC nằm trong một đường hầm hình tròn có chu vi 27 km tại biên giới Pháp và Thụy Sĩ. LHC được thiết kế để thực hiện nhiều thí nghiệm va chạm trực diện ở tốc độ cao giữa các hạt proton.