Bà mẹ mang thai cần ăn nhiều trứng, thịt vì chúng giàu choline, một dưỡng chất tối cần cho sự phát triển trí não trẻ. Các em bé không được bú mẹ sẽ phát triển trí tuệ kém hơn nếu không được bổ sung choline từ thực phẩm khác.
Bà mẹ mang thai cần ăn nhiều trứng, thịt (Ảnh: fotosearch) |
Chất này cũng có tác dụng chống ôxy hóa, trì hoãn quá trình chết tự nhiên của tế bào, đồng thời giúp phát triển thị lực. Tuy rất cần thiết nhưng lượng choline mà cơ thể sản xuất là quá ít so với nhu cầu thực tế, vì vậy cần bổ sung từ thực phẩm.
Choline được biết đến từ lâu nhưng tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển trí não của trẻ mới được phát hiện cách đây 4 năm. Tại hội thảo về dinh dưỡng nhi khoa vừa diễn ra tại Hà Nội, tiến sĩ Sheila Margaret Innis thuộc Đại học Toronto (Canada), một trong những nhà khoa học hàng đầu về dinh dưỡng với phát triển trí não, cho biết: một số chất trong chế độ ăn bổ sung vốn không được xem là dưỡng chất thiết yếu, thực ra lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hỗ trợ cho sự phát tiển toàn diện của con người, đáng chú ý nhất là choline và các axit béo không no nhiều nối đôi như DHA, ARA.
Bà Innis cho biết, con người cần bổ sung choline thường xuyên nhưng thời điểm quan trọng nhất là 1-2 năm đầu đời. Đây là lúc não phát triển với tốc độ nhanh nhất. Đến 2 tuổi, trọng lượng não đã tăng gấp 3 lần so với khi sinh và gần bằng não người lớn.
Nghiên cứu tại nhiều nước cho thấy, những trẻ thiếu choline phát triển trí tuệ chậm hơn so với bạn bè cùng lứa. Tình trạng này tồn tại cả đến 8-10 năm sau. Vì vậy, ngoài việc cung cấp cho con đủ năng lượng và các vitamin, tiến sĩ Khanh cho rằng đã đến lúc các bậc cha mẹ nên để ý đến các dưỡng chất của trí tuệ, trong đó có choline. Nhu cầu choline ở trẻ là 125 mg/ngày khi dưới 6 tháng và 150 mg/ngày ở giai đoạn sau đó.
Choline được phát hiện là có nhiều nhất trong sữa mẹ với hàm lượng 160 mg/lít. Ngoài ra, nó cũng có mặt trong một số loại thức ăn khác với hàm lượng trên 100 g thực phẩm như sau: Trứng: 215 mg; thịt gà quay không da: 79 mg; thịt bò 78 mg; lúa mì: 32 mg; nước cam: 11 mg; chuối: 10 mg. Ngoài ra, gạo chưa xay kỹ, bắp cải cũng chứa lượng choline đáng kể.
Để cung cấp đủ choline cho trẻ, tiến sĩ Nguyễn Công Khanh khuyên các bà mẹ mang thai và cho con bú ăn các thực phẩm giàu choline kể trên, hoặc sữa bột có bổ sung chất này. Đối với trẻ, cần cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú đến khi 2 tuổi.
Nếu trẻ không có điều kiện bú mẹ, hoặc bú không đủ, cần bổ sung các thực phẩm giàu choline, tốt nhất là cho uống sữa bổ sung chất này. Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh cho biết, đối với sữa công thức dành cho trẻ, hàm lượng choline chuẩn được Viện Y khoa Mỹ khuyến cáo là 24 mg/100 kcal, tương đương với 107 mg trong 100 g sữa bột. "Ngoài việc kiểm tra hàm lượng canxi, các vitamin, bà mẹ khi mua sữa cho con cần để ý cả hàm lượng choline trên hộp sữa" - tiến sĩ Khanh khuyên.
Theo ông Khanh, hiện trên thị trường sữa trẻ em Việt Nam đã có một số sản phẩm bổ sung choline, nhưng hầu hết đều không đạt hàm lượng chuẩn đã được khuyến cáo.