Theo các nhà nghiên cứu, hình ảnh cuối cùng mà hàng trăm, hàng nghìn con khủng long mới nở nhìn thấy là rắn khổng lồ. Nếu thoát khỏi loài mãng xà dài khoảng 4m, chúng có thể lớn nhanh như thổi và dài tới 18m.
Mới đây, các nhà khoa học Ấn Độ, Mỹ và Canada nghiên cứu hóa thạch gần như nguyên vẹn của một con rắn 67 triệu năm tuổi dài gần 3,4m cuộn mình quanh vỏ trứng vỡ ngay cạnh một con khủng long con trong tổ khủng long cổ dài ăn thực vật - loài động vật lớn nhất từng có mặt trên trái đất.
“Chúng tôi nghĩ rằng con khủng long vừa chui ra khỏi vỏ trứng và hoạt động đó đã thu hút con rắn”, Dhananjay Mohabey, nhà cổ sinh vật học công tác tại Cục Khảo sát địa chất Ấn Độ, nói.
Địa điểm phát hiện hóa thạch nằm ở bang Gujarat ở cực tây Ấn Độ có dấu tích hàng trăm ổ trứng khủng long cổ dài, mỗi ổ có 6-12 quả trứng. Hai hóa thạch rắn khổng lồ khác cũng được tìm thấy tại các ổ trứng. Điều này cho thấy, loài mãng xà này chuyên ăn thịt khủng long con.
Rắn khổng lồ chuẩn bị xơi tái khủng long mới nở (Hình ảnh: Tyler Keillor, Ximena Erickson)
“Đó thực sự là đại tiệc. Trong mùa trứng nở, hàng trăm hoặc hàng nghìn khủng long cổ dài bé nhỏ không có khả năng tự vệ có thể đã trở thành mồi ngon của loài ăn thịt”, Jason Head, nhà cổ sinh vật học công tác tại Đại học Toronto (Canada), nhận định.
Trứng khủng long nằm dọc theo hai bờ của một nhánh sông nhỏ lặng lẽ và được mẹ của chúng bới cát che khuất. Khủng long bố mẹ dường như không chăm sóc lũ con vì các nhà nghiên cứu không tìm thấy dấu vết của những con trưởng thành.
Xương và các cấu trúc mong manh (vỏ trứng khủng long, xương sọ của rắn…) nằm ở vị trí như trong đời thực nên các nhà nghiên cứu cho rằng, con rắn đã bị chôn sống bất ngờ. Đó có thể là hậu quả của một cơn bão cát và bùn.
Dù khủng long cổ dài trưởng thành dài tới 18m, con mới nở chỉ dài khoảng 46cm. Vì vậy, một trong những động cơ tiến hóa khiến khủng long lớn nhanh rất có thể là để thoát khỏi khu vực nguy hiểm đầy rẫy loài ăn thịt như rắn khổng lồ.
Theo Jeff Wilson, nhà cổ sinh vật học công tác tại Đại học Michigan (Mỹ), một năm sau khi nở, chúng có thể dài khoảng 2m, quá lớn để rắn có thể tóm được.
“Nhiều nhà cổ sinh vật học hồi đầu thế kỷ 20 nghĩ rằng, khủng long sinh trưởng và phát triển theo lối đặc trưng của bò sát: lớn từ từ và sống tới năm 60, 70, 80 tuổi. Nghiên cứu gần đây cho thấy chúng thực sự lớn rất nhanh. Ở tuổi “thiếu niên”, thân chúng đã to bằng 3/4 thân con trưởng thành. Và chúng chỉ “thọ” 30 hoặc 40 tuổi thôi”, Wilson nói.