Một bệnh viện ở Việt Nam mổ não tỉnh thức bằng robot AI: bệnh nhân hát trong lúc đang mổ!

Ông Hải (58 tuổi) bị đột quỵ xuất huyết não đã hơn 24 giờ, dần lơ mơ yếu liệt, nếu mổ theo phương pháp truyền thống, nguy cơ di chứng cao nhưng khi được mổ lấy máu tụ tỉnh thức bằng robot AI, ông có thể song ca cùng bác sĩ ngay khi đang mổ.

14 giờ ngày 10/8, ông Hải (TP.HCM) được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM trong tình trạng trí giác lơ mơ, chân tay yếu liệt. Kết quả chụp MRI 3 Tesla khẩn cấp xác định ông Hải có khối xuất huyết não lớn đến 4 cm.

Khối máu tụ chèn ép các cơ quan thần kinh xung quanh, là vùng não chịu trách nhiệm chức năng vận động, ngôn ngữ. Nếu không mổ khẩn cấp, người bệnh đối mặt liệt nửa người, nói khó, nhìn mờ, thậm chí tử vong.


Robot AI hòa hình MRI, DTI.. cho thấy rõ các bó sợi thần kinh và khối máu tụ chèn ép trong não người bệnh. (Ảnh: Nguyễn Trăm).

Tình huống khẩn cấp khi người bệnh đã bỏ lỡ thời gian "vàng" cấp cứu đột quỵ, đồng thời khối lượng máu tụ lớn, mạch máu vỡ vẫn tiếp tục chảy gây tăng áp lực nội sọ ngày càng nhiều, các chỉ số sinh tồn ngày càng xấu hơn. TTƯT.ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Thần kinh và các bác sĩ nhiều chuyên khoa đã hội chẩn và quyết định chọn kỹ thuật mổ não tỉnh thức mới với sự trợ giúp đắc lực của Robot AI Modus V Synaptive và hệ thống định vị Neuro-Navigation AI thế hệ mới nhất.

Mổ lấy máu tụ, cầm máu bằng phương pháp mổ tỉnh thức sẽ giúp người bệnh thoát khỏi nguy hiểm nhanh chóng, đánh giá hiệu quả mổ thuận lợi khi người bệnh có thể tương tác với bác sĩ, cử động, hỏi đáp… Tuy nhiên, độ khó và nguy hiểm của mổ não tỉnh thức cao hơn gấp nhiều lần so với mổ có gây mê toàn thân, bệnh nhân được thở máy và nằm im, kiểm soát bằng thuốc dễ dàng. Tuy nhiên, do gây mê hoàn toàn nên bác sĩ không thể yêu cầu người bệnh nói hay cử động để trực tiếp đánh giá chức năng ngay trong lúc tác động vào vùng não tương ứng. "Trường hợp khẩn cấp này, chúng tôi quyết định mổ tỉnh thức 2 trong 1. Lý do giúp chúng tôi tự tin để quyết định là có sẵn robot AI mổ não hiện đại bậc nhất hiện nay và chúng tôi có ekip gây tê, hồi sức tích cực cấp cao ngay tại Bệnh viện. Nếu không có bác sĩ gây tê cục bộ và hồi sức tích cực đỉnh cao, cuộc mổ tỉnh thức không thể nào thực hiện được", bác sĩ Tấn Sĩ cho biết.

17h cùng ngày, chỉ sau 2 giờ bệnh nhân nhập viện, ca mổ đầy cam go bắt đầu. BS.CKII Lưu Kính Khương, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, tỉ mỉ lên chiến lược kiểm soát đường thở, huyết áp, chức năng thần kinh cho người bệnh. Máy siêu âm được  bố trí ngay tại chỗ để xác định chính xác 4 nhánh thần kinh lên đỉnh đầu (nơi vết mổ diễn ra), gây tê phong tỏa.

Đặc biệt, các loại thuốc dùng với liều lượng được tính toán kỹ, đảm bảo người bệnh tỉnh táo trong lúc mổ nhưng không cảm thấy đau, không nôn ói, không động kinh, cơ thể và thần kinh sẽ ổn định nhất trong và sau mổ. "Nếu không giảm đau và kiểm soát các chức năng thần kinh, vận động tốt, người bệnh có nguy cơ bị kích động, lo sợ, đau, cựa quậy trong lúc mổ, ảnh hưởng đến thao tác của phẫu thuật viên và nguy cơ phù não nguy hiểm", bác sĩ Khương đánh giá.


Bác sĩ Lưu Kính Khương gây tê cục bộ cho người bệnh trước ca mổ. (Ảnh: Nguyễn Trăm).

Trước ca mổ, ứng dụng AI của Robot Modus V Synaptive đã hòa hình tất cả hình ảnh, dữ liệu chụp MRI, DTI, CT, DSA… của người bệnh. Các bó sợi thần kinh và khối máu tụ hiện rõ trên cùng một hình ảnh 3D sinh động, chi tiết rõ nét. Bác sĩ Chu Tấn Sĩ đã tiến hành mổ mô phỏng trên phần mềm chuyên dụng của Robot, chọn vị trí mở hộp sọ, đường phẫu thuật tiếp cận khối máu tụ chính xác, hiệu quả, an toàn nhất mà không phải cắt qua các bó dẫn truyền thần kinh và mô não lành xung quanh.

Vì đã nhìn thấy toàn bộ não bộ và các vùng máu tụ, bác sĩ chỉ cần rạch da đầu khoảng 5cm, bộc lộ sọ và khoan mở nắp sọ chỉ 3 cm, sau đó khéo léo cắt mở màng cứng. Não bộ người bệnh căng, đập yếu. Theo đường dẫn đã được xác lập từ cuộc mổ mô phỏng trước đó và sự giám sát chặt chẽ của robot với hệ "đèn giao thông xanh vàng đỏ" cảnh báo đường mổ chính xác, bác sĩ đặt ống chuyên dụng Brainpath vào chính xác ổ máu tụ trong bán cầu não phải, hút ra khoảng 40 ml máu cục và máu đã đen đặc.

Vừa mổ, bác sĩ Tấn Sĩ vừa nói với bệnh nhân: "Tôi đang lấy máu tụ trong não ra, anh thấy dễ chịu hơn không?". Ông Hải trả lời: "Nhẹ hơn rất nhiều rồi, cảm ơn bác sĩ".

Ê kíp liên tục trò chuyện với người bệnh, đề nghị ông co chân trái, chân phải… để chắc chắn các chức năng thần kinh liên quan được bảo tồn tối đa. Vui mừng khi loại bỏ hết máu tụ trong não, cảm giác thoải mái, cả bác sĩ Chu Tấn Sĩ và ông Hải hát "nghêu ngao" trong khi ê kip tiếp tục vá màng cứng, đặt lại nắp sọ và khâu da.

Chỉ hơn 30 phút từ lúc mở hộp sọ và đóng lại, ê kíp bác sĩ phẫu thuật, gây mê, điều dưỡng và người bệnh cùng muốn reo lên và vui mừng khi bác sĩ Chu Tấn Sĩ thông báo "ca mổ đã thành công, chúc mừng anh Hải và cảm ơn tất cả các bạn".

Sau mổ 30 phút, người bệnh gặp người thân, gọi điện thoại về cho gia đình. Nửa ngày sau, kết quả chụp CT 768 lát cắt cho thấy không còn máu tụ trong não, vận động, thị giác và nhận thức của người bệnh hoàn toàn bình thường. Ông Hải cười thoải mái nhưng không khỏi xúc động cho biết: "Đây là lần đầu tiên trong đời tôi bước vào phòng mổ. Bác sĩ khoan sọ, lấy máu tụ khi tôi vẫn tỉnh táo. Đến giờ, tôi vẫn nghĩ đây là giấc mơ".


Bác sĩ Tấn Sĩ (người ngồi) và cộng sự trong ca mổ não tỉnh thức cho người bệnh bằng Robot Modus V Synaptive. (Ảnh: Nguyễn Trăm).

Người nhà bệnh nhân cho biết, 2 ngày trước, ông Hải uống một lon bia trong tiệc nhà người quen. Sau đó ông liên tục chóng mặt, nhức đầu, nôn. Ngày hôm sau các triệu chứng không thuyên giảm, gia đình nghi ngờ ông bị đột quỵ nên đề nghị vào viện gấp. Tuy nhiên ở bệnh viện đầu tiên ông Hải đến nhập viện, bác sĩ cho biết đã quá thời gian có thể cấp cứu hiệu quả với các kỹ thuật truyền thống. Ông Hải được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM vì biết thông tin về robot mổ não AI Modus V Synaptive.

Bác sĩ Chu Tấn Sĩ cho biết, mỗi phút sau đột quỵ sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não bị huỷ hoại. Chính vì vậy, cấp cứu đột quỵ càng sớm càng tốt. Phương thức mổ não tỉnh thức bằng robot AI Modus V Synaptive rất hiệu quả khi áp dụng cho các trường hợp phẫu thuật xuất huyết não do đột quỵ, vỡ túi phình mạch não hoặc mổ vùng não chịu trách nhiệm chức năng vận động, nhất là khi các kỹ thuật truyền thống khó thực hiện hiệu quả. Khi đó, cuộc mổ tỉnh thức 2 trong 1 cho phép bác sĩ có thể vừa lấy cục máu đông, cầm máu, vừa kiểm tra hiệu quả cuộc mổ khi đồng thời trò chuyện, yêu cầu người bệnh thao tác vận động đảm bảo không làm tổn thương các bó sợi thần kinh tương ứng.

"Mổ tỉnh xuất huyết não bằng robot mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, cứu sống và hạn chế tối đa di chứng cho những trường hợp xuất huyết não vốn trước đây không thể can thiệp điều trị. Chúng tôi tiếp tục lên kế hoạch phát triển áp dụng kỹ thuật này với cả mổ u não, đảm bảo hiệu quả và bảo tồn cao nhất các chức năng cho người bệnh. Sẽ có nhiều cơ hội sống khỏe mạnh hơn cho người bệnh mà không phải đi ra nước ngoài hoặc bó tay như trước đây", bác sĩ Tấn Sĩ cho biết.

Cập nhật: 15/08/2023 Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video