Môtô điện thám hiểm Mặt trăng vận tốc 15km/h

Môtô Tardigrade trang bị pin có phạm vi hoạt động 110km và chỉ nặng 140kg, nhẹ hơn nhiều so với xe thám hiểm Mặt trăng cũ của NASA.

Công ty Đức Hookie phát triển nguyên mẫu môtô hai bánh dùng để chạy trên Mặt trăng mang tên Tardigrade, nghĩa là gấu nước - sinh vật có sức sống cực kỳ mãnh liệt, Interesting Engineering hôm 19/10 đưa tin. Phương tiện này nhẹ hơn nhiều so với các xe thám hiểm Mặt trăng truyền thống, giúp tiết kiệm chi phí phóng.

"Xe thám hiểm Mặt trăng truyền thống tốn chỗ bằng 3 - 4 chiếc Tardigrade. Tardigrade cũng nhẹ hơn nhiều so với chiếc xe kiểu cũ làm bằng thép", Nico Muller, nhà đồng sáng lập Hookie, cho biết.

Cân nặng là vấn đề quan trọng trong kỷ nguyên khám phá vũ trụ. Với công nghệ hiện nay, việc vận chuyển một kg hàng hóa lên quỹ đạo tốn kém gần 2.720 USD. Điều này nghĩa là mỗi kg đều rất có giá trị, nhất là khi phóng tàu tới Mặt trăng và xa hơn. Bằng cách sử dụng vật liệu nhẹ và chỉ hai bánh xe, Hookie thiết kế một mẫu môtô điện nặng 140 kg. Trong khi đó, xe thám hiểm dùng trong các cuộc đổ bộ lên Mặt trăng trước đây của NASA nặng tới 210 kg.

Tardigrade có vận tốc tối đa khoảng 15km/h và trang bị pin với phạm vi hoạt động là 110 km. Mẫu xe này lấy cảm hứng từ bản thiết kế kỹ thuật số do nghệ sĩ người Nga Andrew Fabishevskiy công bố năm 2020. Với sự cho phép của Fabishevskiy, hai nhà đồng sáng lập Hookie, Nico và Sylvia Müller, bắt tay vào việc tạo ra nguyên mẫu thực của phương tiện.

Kết quả, môtô Mặt trăng có khung làm từ nhôm cắt laser mỏng 10 mm và các trục cũng được làm từ kim loại siêu nhẹ. Khung xe được bọc trong bộ khung ngoài làm bằng ống. Trong khi đó, nhà cung cấp DuPont của NASA chế tạo vỏ Kevlar với lớp phủ nhôm để bảo vệ hệ thống truyền động khỏi bức xạ vũ trụ, các va chạm nhỏ và môi trường lạnh giá khắc nghiệt trên Mặt trăng. Hệ thống truyền động điện được cung cấp bởi Cake, công ty Thụy Điển nổi tiếng với những dòng xe máy điện bền bỉ.


Môtô điện Tardigrade.

Thách thức lớn nhất là việc chế tạo hai bánh xe của Tardigrade. Bánh xe siêu nhẹ với đường kính khoảng 60 cm được làm từ những bộ phận nhỏ hơn. Hookie phát triển lốp không hơi bằng cách in 3D 12 module lốp bằng vật liệu polyurethane cho mỗi bánh, sau đó gắn chúng vào vành. Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về lốp không hơi, hệ thống này còn cho phép dễ dàng thay thế từng bộ phận bị hỏng, đồng thời tích hợp bộ phận dự phòng.

Hookie hiện không có thỏa thuận nào với các cơ quan vũ trụ nhưng NASA biết về dự án Tardigrade, theo Niko Muller. "Sẽ thật tuyệt vời khi được nói về sự hợp tác hoặc các ý tưởng trong tương lai. Chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng cho điều này", Muller chia sẻ. NASA đặt mục tiêu đưa con người lên Mặt trăng trong vài năm tới. Do đó, việc môtô Mặt trăng xuất hiện trong kế hoạch của cơ quan vũ trụ này không quá xa vời.

Cập nhật: 21/10/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video