Theo thông tin của Hội Chữ thập đỏ thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), khu vực này có hơn 1200 người mù. Trong đó, không phải ai cũng bị tật bẩm sinh, nhiều người đã hỏng mắt khi gia công hành tím. Hành vốn dĩ không gây hại gì cho người, tuy nhiên những chất bảo quản được sử dụng lại khá nguy hiểm, nhất là khi người dân không biết cách bảo vệ mình.
Mù mắt vì bóc hành tím
Thuốc trừ sâu mipcin
Thông thường, hành tím chỉ để vài tuần là sẽ hỏng, bị côn trùng tấn công. Để bảo quản, người dân phải ủ lên hành tím một chất bảo quản tự chế. Công thức gồm 40kg bột đất sét với 2-4kg thuốc trừ sâu mipcin. Trước đây, người dân sử dụng thuốc trừ sâu DDT(Gesarol, Neocid) có độc tố cao và rất bền vững, gây hại cho con người. Sau này, chất này bị cấm nên họ dùng mipcin.
Đây cũng là một loại thuốc trừ sâu, được cho phép sử dụng trong việc loại bỏ sâu hại. Tuy ít độc hơn DDT nhưng trong công thức hoá học vẫn có chất độc methyl parathion, gây hại cho thần kinh con người. Khi tiếp xúc với những vùng nhạy cảm trên cơ thể như da mỏng, mắt,… thuốc có thể gây hại cho sức khoẻ. Người uống phải mipcin cũng chịu những ảnh hưởng nặng nề cho sức khoẻ.
Những nguy cơ bệnh tật
Dù thuốc trừ sâu DDT hay mipcin, chúng đều là những hoá chất không được sử dụng cho việc bảo quản thực phẩm. Người ăn hay người bóc hành cũng phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không có biện pháp bảo vệ mình.
Khi không đeo kính, nhất là trong công đoạn trộn thuốc, bụi bẩn và thuốc có thể tấn công đôi mắt của người lao động. Sau nhiều ngày, mắt bị viêm nhiễm dẫn đến mất thị giác. Bên cạnh đó, thói quen dụi mắt khi ngứa cũng dễ khiến mắt bị tổn thương. Người lao động tay còn bám đầy phấn, mồ hôi, bụi bẩn đưa lên mắt dụi khiến bụi càng dễ tấn công mắt.
Theo các bác sĩ, nếu phát hiện sớm, người bệnh có thể được điều trị, giảm thiểu khả năng mù loà. Tuy nhiên, người dân thường tự mua và dùng thuốc, dẫn đến loét giác mạc, rất khó chữa.
Người lao động lâu năm không mặc quần áo bảo hộ và đeo găng, thuốc có thể thấm vào da và gây hại, các bệnh như viêm da, cháy da,… thậm chí ung thư da. Hít phải lượng phấn bảo quản lớn, nội tạng dễ bị tổn thương, mang bệnh tật.
Tuy nhiên, có tới hàng nghìn người ở thị xã này bị hỏng mắt vì bóc hành có chất bảo quản (Ảnh minh họa: NLĐ)
Phụ nữ có thai hít phải nhiều phấn bảo quản có thể gây hại đến thai nhi, trẻ sinh ra dễ ốm yếu, thậm chí bị dị tật bẩm sinh. Đặc biệt, nhiều trẻ em chỉ 4-5 tuổi ở thị xã Vĩnh Châu cũng ra làm hành giúp bố mẹ. Các em rất dễ bị các chất độc hại tấn công, do khả năng bảo vệ của cơ thể còn quá yếu. Lúc này, tác hại của phấn bảo quản rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của các em.
Các biện pháp bảo vệ
Để bảo vệ sức khoẻ người dân khỏi những ảnh hưởng xấu của phấn hành, các cơ quan chức năng nên tìm hiểu loại thuốc bảo quản hành mới, hiệu quả và an toàn hơn. Bên cạnh đó, người lao động cần nâng cao ý thức bảo vệ mình.
Khi lao động cần mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang và đeo kính mắt. Tuyệt đối không bỏ kính trong bất kì trường hợp nào, giữ kính sạch sẽ, tránh bụi bẩn vào trong. Lúc nghỉ ngơi, rửa tay sạch sẽ trước khi tháo kính. Sử dụng khăn sạch để lau mắt.
Trẻ nhỏ và phụ nữ có thai cần tránh làm công việc này. Khi có các biểu hiện bất thường của mắt, nhìn khó khăn cần nhanh chóng đến khám để có biện pháp điều trị kịp thời.