Mưa axit là do sự kết hợp của các oxit phi kim và nước. Nước có sẵn trong tự nhiên, các oxit được thải ra từ hoạt động của con người, đặc biệt là việc sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch. Và điều đó dẫn đến kết quả là những cơn mưa chứa đầy chất axit.
Nguyên nhân chủ yếu là các loại oxit nito (N2O, N2O3, N2O4…) và oxit lưu huỳnh (SO, SO2, SO3). Những loại oxit này tạo nên những loại axit mạnh nhất là axit nitric (HNO3), và axit sulfuric (H2SO4). Ngoài ra còn một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mưa axit trong tự nhiên như những vụ phun trào của núi lửa, hay các đám cháy…
Tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu vẫn bắt nguồn từ các hoạt động của con người. Chỉ trong năm 1977, nước Mĩ đã thải vào bầu khí quyển 31 triệu tấn oxit sulfur và 22 triệu tấn oxit nito. Điều này có nghĩa là khoảng 500 kg/ 1 người.
80% oxit sulfur là do hoạt động của các thiết bị tạo năng lượng, 15% là do hoạt động đốt cháy của các ngành công nghiệp khác nhau, và 5% từ các nguồn khác. Còn đối với oxit nito, 1/3 là do hoạt động của các máy phát năng lượng, 1/3 khác là do hoạt động đốt nhiên liệu để chuyển hóa thành năng lượng và phần còn lại cũng do các nguồn khác nhau.
Mưa axit đặc biệt nguy hại đối với môi trường. Đôi khi, kể cả tuyết cũng có thể là axit, và những bông tuyết thậm chí còn có thể bị nhuốm đen. Khi những bông tuyết này tan ra, nguồn nước sinh ra từ đó có nồng độ axit cao gấp 10 lần so với nước mưa axit thông thường. Cơn mưa axit đầu tiên được chỉ ra là vào những năm 50 thế kỉ 20 tại Na-Uy. Khi đó các nhà khoa học đang bị thách thức bởi hiện tượng rất nhiều loài cá trong các hồ của Na-Uy bị thoái hóa.
Đất nước láng giềng Thụy Điển, 4.000 hồ không hề có cá; 9.000 hồ bị mất một phần lớn các loài cá đang sinh sống, trong khi đó có tới 20.000 hồ khác cũng bị ảnh hưởng bởi mưa axit.
Một cánh rừng thông của Czech bị hủy hoại bởi mưa axit.
(Ảnh chụp tháng 7/2006, theo PD)
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các loại oxit gây mưa axit ở Scandinavia do ngành công nghiệp nặng của nước Anh thải ra, đặc biệt là các nhà máy ở Sheffield và Birmingham, và cả vùng công nghiệp Ruhr của nước Đức.
Những đám khói này mang các hợp chất oxit đến tận các ngọn núi của bán đảo Scandinavia, và tại đây mưa sẽ đem chúng trở lại mặt đất. Hàng năm có đến 56.000 tấn oxit sulfur theo mưa thấm vào lòng đất Na-Uy, và 75% trong số đó được “nhập khẩu” theo cách nói trên.
Ở Vương quốc Anh, mưa axit cũng giống ở Scandinavia, và các cơn mưa axit hầu hết diễn ra ở vùng Perth (Scotland): độ axit cao gấp 500 lần so với axit trong tự nhiên.
Bề mặt đá cẩm thạch tiếp xúc với mưa đang ngày trở nên thô ráp bởi chất canxit (CaCO3) bị hòa tan dần trong những cơn mưa. Đây là chi tiết trên cột chính của nhà tưởng niệm các Tổng thống Mĩ có tên gọi Jefferson Memorial tại thủ đô Washington, D.C, Mĩ. (theo Softpedia News) |
Mưa axit cũng giết hại các khu rừng. Chúng rửa trôi hoàn toàn những chất dinh dưỡng và những vi sinh vật có lợi. Mưa axit cũng làm yếu đi sức đề kháng của cây cối, dễ mắc bệnh và bị kí sinh trùng… Cây thông là loài cây đặc biệt nhạy cảm với mưa axit.
Hơn một nửa các cánh rừng của miền tây nước Đức đang ở trong những mức độ bị phá hủy khác nhau và giá trị lượng cây gỗ bị hủy hoại bởi mưa axit ước tính đạt 800 triệu đôla hàng năm.
Năm 1984, Thụy Sĩ bị thiệt hại khoảng 12 triệu cây (14% diện tích rừng cả nước), trong khi đó diện tích rừng bị mưa axit phá hủy ở Hà Lan là 40%. Và các công trình của con người cũng chịu tác hại bởi mưa axit: xi măng, bê tông, vôi, đá cẩm thạch, kim loại, chất bazan và đá granit….và những thiệt hại đó là không hề nhỏ.
Ở thủ đô London, mưa axit đang tàn phá nghiêm trọng các công trình nghệ thuật bằng đá từ thế kỉ 18, 19, như Nghị viện Anh, Tu viện Westminster và Nhà thờ Saint Paul.
Sức khỏe con người cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi mưa axit. Chúng làm cơ quan hô hấp của con người dễ bị thương tổn hơn, gây ra các bệnh về phổi, và khiến bệnh tình của các bệnh nhân ngày càng trầm trọng hơn.
Mạnh Đức