Mực nước biển sẽ tăng thêm 0,9m trong vòng 80 năm tới, hàng triệu người sẽ phải di tản

Mực nước biển có thể sẽ tăng hơn 0,9m trong vòng 80 năm tới. Hầu hết các rặng san hô ở những khu vực nước ấm sẽ chết. Các đại dương đang nóng lên với tốc độ nhanh gấp đấp đôi so với thời điểm năm 1993.

Đó chỉ là một vài phát hiện đáng lo ngại được nêu ra trong bản báo cáo mới từ Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc.

Bản báo cáo, được tập hợp bởi hơn 100 tác giả đến từ 36 quốc gia, tập trung vào tình trạng của các đại dương và băng quyền (những phần hiện đang đóng băng) của Trái Đất. Những phát hiện trong bản báo cáo này đã đính chính lại những dự báo trước đó về sự tăng mực nước biển: các tác giả khẳng định nếu nhiệt độ Trái Đất tăng hơn 3 độ C, mực nước biển sẽ cao hơn trung bình 0,9m vào năm 2100.

Nhiệt độ trung bình của hành tinh hiện đã tăng thêm 1 độ C, và mực nước biển trên toàn cầu đã tăng thêm khoảng 15cm. Nhưng tốc độ tăng này đang ngày càng nhanh hơn. Đến cuối thế kỷ này, các vùng biển dâng cao sẽ khiến 680 triệu người đang sống tại các khu vực thấp miền duyên hải, cùng với 65 triệu người dân thuộc các quốc gia đảo nhỏ, bị ảnh hưởng hoặc mất nhà cửa.

Các tác giả kết luận rằng, nguyên nhân chính khiến mực nước biển tăng là do sự tan chảy của các khối băng ở Nam Cực và Greenland.

"Thông điệp lớn nhất cần truyền tải là số lượng người sẽ bị đe dọa bởi mực nước biển tăng trong thế kỷ này là rất bất thường" - Margaret Williams, giám đốc quản lý của Chương trình Bắc cực thuộc Quỹ động vật hoang dã thế giới, cho biết. "Sự ấm lên của các đại dương và băng quyển làm tình hình nghiêm trọng gấp đôi".

Mực nước biển có thể tăng 0,9m

Ngay cả nếu các quốc gia trên thế giới đạt được những mục tiêu đặt ra trong thỏa thuận khí hậu Paris - giữ cho hành tinh không tăng hơn 2 độ C - thì theo bản báo cáo, đến cuối thế kỷ này, mực nước biển vẫn sẽ tăng lên thêm 58cm.

Sự tăng lên của mực nước biển xuất phát từ 2 nguyên nhân chính: sự tan chảy của các khối băng - sông băng và sự tăng lên của nhiệt độ đại dương (bởi nước, như hầu hết mọi thứ khác, sẽ nở ra khi nóng lên). Nhưng băng tan là nguyên nhân chính trong số đó.


Sự tan chảy của sông băng Thwaites ở phía tây Nam cực góp phần vào 4% của mực nước biển dâng lên trên toàn cầu.

Băng ở Greenland đang tan chảy nhanh gấp 6 lần so với 4 thập kỷ trước - tức khoảng 286 tỷ tấn băng mỗi năm.

Hai thập kỷ trước, con số trung bình mỗi năm chỉ là 50 tỷ.

Chỉ riêng sự tan băng này đã đóng góp hơn 1,2cm vào mực nước biển dâng lên kể từ năm 1972. Đáng báo động là, một nửa của mực nước dâng này diễn ra trong 8 năm gần đây.


Thị trấn Kulusuk ở phía đông Greenland.

Trong khi đó, ở Nam Cực, toàn bộ khối băng đang tan chảy với tốc độ gấp 6 lần 40 năm trước. Vào thập niên 1980, Nam Cực mất 40 tỷ tấn băng mỗi năm. Trong thập kỷ trước, con số này nhảy vọt lên mức trung bình 252 tỷ tấn mỗi năm.

Tốc độ mất băng của 5 sông băng tại Nam Cực cũng tăng gấp đôi trong 6 năm qua.

Cụ thể, các khu vực thuộc sông băng Thwaites ở phía tây Nam cực đang mất đi 800m băng mỗi năm, đóng góp 4% vào mức tăng nước biển toàn cầu. Thwaites đang có nguy cơ rơi vào tình trạng tan chảy không thể đảo ngược được, sau đó sông băng này sẽ mất toàn bộ lượng băng của nó trong khoảng thời gian 150 năm. Điều này sẽ kích hoạt một chuỗi phản ứng tan chảy, có thể khiến mực nước biển tăng thêm 2,4m so với mức tăng 0,9m được dự báo bởi IPCC.


Băng đang tan chảy ở một vách đá ở Landsend, trên bờ Cape Denison ở Nam Cực, ngày 2/1/2010.

Bên cạnh đó, bản báo cáo của IPCC còn cho thấy các sông băng nằm ngoài Nam cực và Greenland cũng đang biến mất.

Các sông băng nhỏ hơn ở Mỹ, châu Âu, và núi Andes được dự báo sẽ mất hơn 80% băng và tuyết hiện có vào năm 2100. Điều đó sẽ "ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động giải trí, du lịch, và các di sản văn hóa".

"Nhiều sông băng nhỏ ở Washington, phía tây nước Mỹ, sẽ biến mất trong vài thập kỷ tới hoặc chậm nhất là trong vòng một thập kỷ" - Regine Hock, một trong các tác giả cho biết.

Các rạn san hô đang gặp nguy hiểm

Các đại dương của hành tinh hấp thụ 93% lượng nhiệt bổ sung mà khí nhà kính lưu giữ trong bầu khí quyển. Năm ngoái là năm nóng kỷ lục ở các đại dương - năm 2018 đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ của 2017, và trước đó năm 2017 đã phá vỡ kỷ lục của năm 2016. Các nhà khoa học chưa bao giờ thấy lượng nhiệt như thế này kể từ khi họ bắt đầu đo đạc nhiệt độ đại dương vào thập niên 1950.

Theo báo cáo IPCC, đại dương sẽ hấp thụ lượng nhiệt cao hơn từ 2 - 4 lần vào năm 2100 so với lượng nhiệt nó hấp thụ từ giữa 1970 và 2018 - và đó là nếu ấm lên toàn cầu chỉ giới hạn ở mức 2 độ C.

Sóng nhiệt trên biển (được định nghĩa là bất kỳ ngày nào mà nhiệt độ bề mặt của biển vượt mức phân vị thứ 99 tại khu vực đó) đã tăng gấp đôi về mặt tần suất so với năm 1982. Nếu Trái đất ấm thêm 2 độ C nữa, những sóng nhiệt này sẽ diễn ra nhiều gấp 20 lần tần suất hiện tại.

Điều đó đặc biệt nghiêm trọng bởi nước ấm có thể khiến san hô đẩy đuổi tảo vốn sóng bên trong các mô của nó, sau đó chuyển sang màu trắng và chết đi. Hiện tượng này gọi là "tẩy trắng san hô". Với tốc độ như hiện tại, 60% trong toàn bộ các rạn san hô sẽ bị đe dọa cao hoặc nghiêm trọng vào năm 2030, và 98% trong toàn bộ các rạn san hô này sẽ phải đối mặt với các điều kiện tiềm tàng nguy cơ huy diệt mỗi năm.

So với năm ngoái, hơn một nửa trong rạn san hô lớn của Úc đã chết vì bị tẩy trắng.


Rạn san hô lớn của Úc đã gặp phải đợt tẩy trắng lớn thứ 2 vào năm 2017.

Ngay cả nếu mục tiêu giàu tham vọng nhất của thỏa thuận Paris hoàn tất và nhiệt độ thế giới không tăng hơn 1,5 độ C (khả năng là rất thấp), thì hầu như toàn bộ các rạn san hô nước ấm được dự báo sẽ bị diệt chủng trên diện rộng - báo cáo của IPCC kết luận.

Đời sống hải dương chết đi sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực

Các rạn san hô bao phủ chưa đầy 1% đáy đại dương, nhưng những hậu quả của tình trạng tẩy trắng san hô vượt ngoài tầm kiểm soát, bởi 1/4 trong tất cả các loài cá đều dành một phần trong vòng đời của chúng để sống trong các rạn san hô này. Có nghĩa là mất san hô sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với các cộng đồng dân cư ven biển vốn dựa vào hệ sinh thái san hô để duy trì cuộc sống, để kiếm thu nhập từ đánh bắt cá, và du lịch.

Xấp xỉ 3 tỷ người trên thế giới dựa vào cả các loại hải sản đánh bắt và nuôi trồng làm nguồn cung cấp protein chính yếu. Đánh bắt cá tại các rạn san hô mỗi năm mang về 6,8 tỷ USD trên toàn cầu.

"Sự gia tăng nguy cơ mất an ninh lương thực hải sản đi kèm với sự suy giảm lượng hải sản sẵn có được dự đoán sẽ làm tăng nguy cơ đối với sức khỏe dinh dưỡng tại một số cộng đồng phụ thuộc nhiều vào hải sản, như ở Bắc cực, Tây Phi, và các nước đảo nhỏ đang phát triển".


Đánh bắt cá hồi ở Alaska.

Ấm lên toàn cầu còn có thể khiến mất an ninh lương thực đối với các cư dân ở Bắc cực, bao gồm người bản địa, bởi những thay đổi đó sẽ làm gián đoạn hoạt động chăn nuôi gia súc, săn bán và đánh cá.

"Có những mối liên kết ngắn, mong manh giữa việc giảm mạnh trữ lượng cá, các loài hải cẩu bị chết đói, các loài cá voi biến mất, và cuộc sống của người dân ở Bắc cực" - Becca Robbins Gisclair, giám đốc chương trình Bắc cực tại tổ chức Bảo tồn Đại dương cho biết.

Bà nói thêm rằng: "Nếu chúng ta không hành động, an ninh lương thực đôi với hàng tỷ người sẽ đứng trước nguy cơ, toàn bộ các hệ sinh thái sẽ biến mất, các cộng đồng ven biển và các đảo thấp dưới mực nước sẽ bị nhấn chìm bởi mực nước biển tăng, và con người sẽ không còn cơ hội như trước để tìm thấy những kỳ quan trong thiên nhiên của đại dương nữa".

Cập nhật: 01/10/2019 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video