Muỗi biến đổi gen có trở thành "cứu tinh" của ngành y tế?

Thành công ban đầu từ những cuộc thử nghiệm trên muỗi biến đổi gen đã đặt ra kì vọng biến chúng thành liều thuốc đặc trị căn bệnh phổ biến nhất châu Á và châu Mỹ Latinh hiện nay – bệnh sốt xuất huyết. Sự lạc quan dường như cũng thể hiện rõ ở nhiều nhà khoa học, nhưng xác suất chưa trọn vẹn của phương án này cũng đặt ra không ít lo ngại.

Lợi ích không thể phủ nhận

Việc tạo ra muỗi biến đổi gen được tiến hành từ 20 năm trước nhưng chỉ gần đây phương án sử dụng loại muỗi này mới được các quan chức y tế ủng hộ. Điển hình là Malaysia, đất nước đầu tiên ở châu Á có kế hoạch thả thử nghiệm muỗi biến đổi gen vào môi trường, nhằm đối phó với đại dịch sốt xuất huyết. Viện nghiên cứu y học của quốc gia này đã hoàn tất kế hoạch thả hàng nghìn muỗi đực biến đổi gen để chúng giao phối với muỗi cái bình thường, tạo ra loại muỗi có tuổi đời ngắn hơn và không có khả năng truyền bệnh.

Không riêng Malaysia, rất nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam cũng muốn thử nghiệm muỗi chuyển gen. Theo PGS.TS Vũ Sinh Nam, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, sau thành công trong việc nuôi muỗi biến đổi gen mang vi khuẩn ruồi giấm Wolbachia, Việt Nam cũng sẽ thử nghiệm thả chúng tại đảo Trí Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vào năm 2011.

Muỗi biến đổi gen vốn là sản phẩm của Công ty công nghệ sinh học Oxitec (có trụ sở tại Anh) và Viện Nghiên cứu Y học Malaysia. Ý tưởng nghiên cứu loại muỗi này dựa trên hoạt động giao phối của bản thân loài muỗi. Muỗi chuyển gen được bổ sung hai đặc điểm mới so với loại muỗi thường là chúng chứa gen phát huỳnh quang và gen gây chết có điều kiện (còn gọi là gen làm giảm sức đề kháng). Đặc điểm phát huỳnh quang hoạt động như một dấu hiệu để nhận diện muỗi biến đổi gen trong khi gen gây chết sẽ làm muỗi và các ấu trùng chết trong những điều kiện nhất định. Khi muỗi biến đổi gen đực giao phối với muỗi cái trong tự nhiên, gen gây chết sẽ được truyền lại cho thế hệ con cháu và các ấu trùng, kết quả là chúng sẽ chết trong điều kiện thiếu vắng kháng sinh tetracyline.

Nhằm thử nghiệm các kết quả nghiên cứu về muỗi biến đổi gen, từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2010, các nhà khoa học của Oxitec đã thả ba đợt muỗi biến đổi gen chủng OX513A Aedes aegypti trên diện tích 16 ha tại quần đảo Cayman thuộc Anh. Lượng muỗi nơi đây đã giảm 80% so với các khu vực lân cận chỉ trong vòng 6 tháng. Nếu được áp dụng phổ biến, phương án được xem là triển vọng này có thể giúp ngăn chặn đáng kể dịch sốt xuất huyết trên toàn cầu.

Sở dĩ “công nghệ” muỗi chuyển gen nhận được nhiều sự đồng tình là do việc sử dụng loại muỗi này - theo đánh giá của những người ủng hộ quan điểm muỗi chuyển gen - là an toàn và thân thiện hơn nhiều so với việc dùng hóa chất. Các nhà khoa học thậm chí còn dự tính sẽ tạo ra hàng loạt các thế hệ côn trùng, ong, sâu, ruồi mang “thương hiệu” biến đổi gen, nhằm chống lại những căn bệnh có tính chất đại dịch vốn lây lan qua côn trùng, đồng thời tạo điều kiện cho việc tăng năng suất cây trồng và các sản phẩm nông nghiệp, giúp ổn định an ninh lương thực.

... nhưng liệu có vững bền?

Được kì vọng là phương án sẽ tạo nên bước đột phá trong ngành y học và nông nghiệp nhưng công nghệ muỗi biến đổi gen cũng gây không ít tranh cãi, thậm chí bị nhiều cá nhân, tổ chức chỉ trích bởi sự thiếu minh bạch trong quá trình thử nghiệm và bởi chúng chưa được kiểm chứng cẩn trọng.

Bản thân một số chuyên gia cũng nghi ngờ về tính bền vững của phương án muỗi chuyển gen khi cho rằng, môi trường sẽ chịu tác động xấu hơn nếu loại muỗi này được "ứng dụng" bởi muỗi vốn là thức ăn của nhiều loài khác. “Nhiều loài sẽ chết đói nếu muỗi không còn, hoặc làm gia tăng số lượng loài khác hoặc xuất hiện các loài mới”, Pete Riley, Giám đốc tổ chức phi chính phủ GM Freeze (Anh), người chủ trương phản đối sinh vật biến đổi gen lên tiếng.

 

WHO dự đoán, mỗi năm có khoảng 50 triệu trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 25.000 trường hợp tử vong. Khoảng 2,5 tỷ người, tương đương 2/3 dân số thế giới có nguy cơ mắc sốt xuất huyết do muỗi đốt. Nơi bị dịch sốt xuất huyết đe dọa nhiều nhất là Đông Nam châu Á và phần lớn châu Phi. Tại Malaysia, trong 10 tháng đầu năm 2010 đã có 117 người trong số 37.000 ca nhiễm sốt xuất huyết tử vong, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái.

Là một trong những nước tiên phong khởi xướng thả thử nghiệm muỗi chuyển gen nhưng Phó Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cũng không mặn mà với kế hoạch này. Ông lo ngại, muỗi chuyển gen không những không ngăn được sốt xuất huyết mà còn gây ra nhiều hậu quả khôn lường.

Hàng loạt những thắc mắc và mối nguy tiềm ẩn khác cũng đã được Mạng lưới Thế giới Thứ Ba (Third World Network - TWN) đặt ra trong trường hợp sử dụng liệu pháp muỗi chuyển gen. TWN cho rằng, sẽ là mạo hiểm khi Malaysia chuẩn bị thử nghiệm loại muỗi đặc biệt quan trọng mà chưa hề đánh giá tác động rủi ro liên quan. Nói cho đúng hơn, TWN chưa thực tin tưởng vào kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của các nhà khoa học thuộc Oxitec và Viện Nghiên cứu Y học Malaysia.

Nghi ngờ đầu tiên tập trung vào khả năng giao phối của muỗi đực biến đổi gen với loài muỗi cái hoang dã ngoài tự nhiên khi chúng cùng ở trong môi trường thiếu kiểm soát. Bản thân cơ chế giao phối của loài muỗi khá phức tạp nên việc muỗi chuyển tìm được nơi con cái xuất hiện là điều không đơn giản. Thêm nữa, làm sao đảm bảo rằng muỗi chuyển gen không thể gây ra một căn bệnh mới trong tương lai? Và rằng ai sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra các tác dụng ngoài mong muốn khi thử nghiệm thực tế?

Mục tiêu của thí nghiệm tuy chỉ sử dụng duy nhất muỗi đực biến đổi gen nhưng nếu quá trình phân loại không thực sự chính xác thì nhiều khả năng muỗi cái vẫn bị trà trộn. Việc muỗi cái lọt lưới ra ngoài sẽ làm tăng mối nguy bệnh tật bởi chỉ loại muỗi này mới hút máu và truyền bệnh.

Cũng chưa có gì đảm bảo chắc chắn rằng các ấu trùng được tạo ra từ muỗi biến đổi gen đực và muỗi cái tự nhiên sẽ chết hoàn toàn nếu không có kháng sinh tetracycline trong môi trường tự nhiên. Tetracycline là kháng sinh được dùng nhiều trong chăn nuôi và y tế nên nếu chúng tồn tại trong môi trường thì sẽ góp phần làm giảm hiệu quả của gen gây chết có điều kiện ở muỗi đực biến đổi gen và tất yếu làm tăng tỉ lệ sống ở ấu trùng. Vì thế, cần đánh giá kĩ về sự tồn tại của loại kháng sinh này trong môi trường thử nghiệm trước khi muỗi chuyển gen được phóng thích.

Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở bởi xét về mặt lý thuyết, các ấu trùng sẽ chết sau khi “thừa kế” nguồn gen từ muỗi biến đổi gen nhưng trên thực tế vẫn có tỉ lệ nhỏ ấu trùng còn sống sót. Nhiều tài liệu xuất bản cho biết, ngay cả trong điều kiện phòng thí nghiệm thì vẫn có 3 – 4% ấu trùng sống đến tuổi trưởng thành.

Cũng theo đánh giá của TWN, muỗi chuyển gen tuy là loài nguy hiểm nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái sinh thái của Malaysia. Nó tác động tới sự phong phú của các loài vốn có thức ăn là muỗi. Đặc biệt, việc sản sinh ra các yếu tố di truyền gây vô sinh cũng có thể làm tăng tổn hại cho hệ sinh thái của đất nước này.

Việc theo dõi muỗi chuyển gen hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào đặc điểm phát huỳnh quang nhưng hiệu ứng di truyền cũng có nhiều biểu hiện sai số, vì vậy việc sản xuất và đánh dấu loại muỗi này có thể bị giảm bớt và một số muỗi chuyển gen có thể không được nhận diện bằng đặc điểm phát huỳnh quang. Nếu điều này xảy ra, các con muỗi chuyển gen sẽ tồn tại trong môi trường không có sự kiểm soát, vì vậy cần lập kế hoạch thẩm định cũng như hệ thống giám sát đầy đủ để có thể loại bỏ số muỗi "lỗi" trong môi trường thử nghiệm.

Thêm một vấn đề cần lưu ý trước khi Malaysia thử nghiệm loại muỗi này là phải thông báo cụ thể cho người dân biết về địa điểm và cách thức thử nghiệm, đặc biệt phía đơn vị thử nghiệm cần kí cam kết vào các điều khoản ràng buộc trong suốt quá trình thực hiện nhằm đảm bảo sự công khai, minh bạch.

Muỗi chuyển gen tuy không là vấn đề mới nhưng kinh nghiệm đánh giá và quản lí loại muỗi này trên thế giới vẫn còn nhiều hạn chế. Ngay cả các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học cũng chỉ mới phát triển và hoàn thành hướng dẫn về muỗi chuyển gen. Vì vậy, rất cần một bản đánh giá đầy đủ về những rủi ro và tác động ngoài mong muốn của chiến lược sử dụng loại muỗi này, đặc biệt, phải xây dựng các bản báo cáo giám sát trong suốt quá trình thử nghiệm do hội đồng khoa học quốc tế thực hiện trước khi xem xét thử nghiệm muỗi chuyển gen ở nơi nào khác trên thế giới.

TWN đề xuất cách tiếp cận thận trọng hơn trong phương án sử dụng loại muỗi này, theo đó, các nhà chức trách có thể thử nghiệm muỗi chuyển gen tại các khu vực có lưới ngăn nhằm không cho chúng thoát ra ngoài, đồng thời, cần tăng cường các biện pháp hiệu quả, an toàn và có giá cả phải chăng như sử dụng các chất chống muỗi làm từ thực vật hay loại bỏ tối đa các mầm mống gây phát sinh muỗi.

Đặc biệt, cần trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến sự an toàn của cộng đồng cũng như môi trường sinh thái trước khi thử nghiệm muỗi chuyển gen ở bất cứ đâu - đây cũng là điều TWN và nhiều cá nhân, tổ chức khác tâm niệm.

Theo Thiên Nhiên
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video