Muỗi hoạt động mạnh hơn không chỉ vì sự gia tăng nhiệt độ liên quan đến vấn đề nóng lên toàn cầu, mà phần lớn là do ô nhiễm ánh sáng.
Các nhà khoa học cho biết, ánh sáng nhân tạo của các thành phố khiến loài động vật này kéo dài thời gian hoạt động và ngăn chặn chúng bước vào giai đoạn nghỉ ngơi giống như ngủ đông.
Giờ đây, muỗi chích con người quanh năm cả ở châu Âu và Mỹ.
Vấn đề này đã được chứng minh bởi một nghiên cứu đến từ các nhà khoa học tại Đại học Ohio (Mỹ) và công bố trên tạp chí Insects.
Muỗi đốt người quanh năm do ô nhiễm ánh sáng. (Ảnh minh họa).
Những tác động tiêu cực đến con người và đa dạng sinh học
Theo đó, ánh sáng nhân tạo làm xáo trộn nhịp điệu sinh học của muỗi.
Đây là quá trình sinh học của cơ thể xảy ra theo chu kỳ trên một thời lượng khoảng 24 giờ.
Biến động của nhịp điệu trên có thể làm chúng kiệt sức và chết, dẫn tới hậu quả kép có tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học và con người.
Cụ thể, muỗi đốt từ mùa hè sang mùa đông, nhưng cũng nhiều trong số chúng chết trong mùa đông.
Điều này cũng sẽ làm sụp đổ quần thể muỗi dẫn tới tình trạng thiếu thức ăn cho các loài động vật ăn chúng vào mùa xuân.
Ô nhiễm ánh sáng đang trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng
Nghiên cứu chủ yếu quan tâm đến một số loài muỗi cụ thể như Culex pipiens (loài muỗi hút máu thuộc họ Culicidae), chúng có thể truyền virus West Nile (một loại arbovirus gây tổn thương thần kinh) sang người.
Vào mùa đông, loài muỗi này bước vào giai đoạn ngủ đông, thường ở những nơi như trong hầm, nhà kho hoặc giếng nước.
Khi đối mặt với ánh sáng của các thành phố, muỗi sẽ ngừng ngủ đông bước vào giai đoạn sinh sản một lần nữa.
Con cái sau đó cần máu để phát triển trứng và chúng sẽ chích chúng ta.
Với kết quả của nghiên cứu này, ô nhiễm ánh sáng đã trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng, muỗi càng hoạt động mạnh, chúng sẽ chích người nhiều và nguy cơ lây truyền virus càng lớn.
Sau khi thực hiện các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu dự định xác nhận kết quả này từ bên ngoài môi trường tự nhiên.