Để phòng tránh bệnh ung thư dạ dày, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên bắt đầu từ chính thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Hướng dẫn phòng ung thư dạ dày
Kiểm tra vết loét dạ dày
Helicobacter pylori (H.pylori) là một loại vi khuẩn phổ biến, chúng không làm cho mọi người bị bệnh, nhưng có thể gây nhiễm trùng niêm mạc dạ dày, gây loét. Nó cũng là nguyên nhân gây ung thư. Nếu bị loét dạ dày, bác sĩ cần kiểm tra xem bạn có bị nhiễm H.pylori hay không, để tìm phương pháp điều trị phù hợp.
Bệnh ung thư dạ dày thường phát hiện ở giai đoạn muộn vì không có những triệu chứng rõ ràng.
Không hút thuốc
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, hút thuốc khiến bạn có nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư dạ dày. Nếu bạn cần giúp đỡ để bỏ thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ để nhận tư vấn. Đồng thời, mỗi người tránh xa môi trường có khói thuốc lá.
Theo dõi cân nặng
Tình trạng béo phì dễ gây viêm mạn tính đường tiêu hóa ảnh hưởng đến axit dạ dày dẫn đến ung thư dạ dày - một trong những loại ung thư người béo phì dễ mắc.
Xét nghiệm di truyền
Nếu những người thân trong gia đình bị ung thư dạ dày cho thấy họ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Xét nghiệm di truyền có thể cho bạn biết bản thân mang một số gen nhất định khiến cơ thể nhạy cảm hơn với bệnh ung thư dạ dày, bao gồm gen CDH1, hội chứng Lynch (nguyên nhân phổ biến gây nhiều loại ung thư).
Phòng bệnh từ chính thói quen ăn uống hàng ngày
Ung thư dạ dày hiện đang là căn bệnh đứng thứ 2 ở Việt Nam về tỷ lệ người mắc, chỉ sau ung thư gan. PGS.TS Đoàn Hữu Nghị - Phó Chủ tịch Hội ung thư Hà Nội cho biết, nguyên nhân chính gây bệnh ung thư là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Ngoài ra thói quen ăn uống như ăn đồ muối, mặn hoặc uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá cũng là nguyên nhân gây nên căn bệnh này.
Để phòng bệnh ung thư dạ dày, PGS Nghị cho rằng mọi người cần phải đi khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần, đặc biệt là người trên 40 tuổi. Ngoài việc nhằm phát hiện sớm ung thư, việc khám sức khỏe qua test nhanh còn có thể phát hiện cơ thể có dương tính với vi khuẩn Hp hay không, từ đó để có hướng điều trị cụ thể.
Không nên ăn chung bát đũa, đặc biệt là chung bát nước chấm.
Vi khuẩn Hp thường lây nhiễm qua đường ăn uống, đặc biệt là việc trẻ nhỏ được bố mẹ hoặc ông bà mớm cơm, cháo cho ăn hàng ngày. Ngoài ra, việc chấm chung bát nước mắm cũng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Hp. Vì thế, để không bị nhiễm loại vi khuẩn gây ung thư dạ dày này, mọi người tốt nhất không nên mớm cơm cho trẻ. Ngoài ra trong bữa ăn hàng ngày nên dùng riêng đũa, riêng bát kể cả nước chấm.
Một vấn đề nữa liên quan đến ăn uống mà mọi người cần chú ý, đó là không nên ăn nhiều các đồ muối mặn như dưa muối, cà muối, các loại thịt hun khói. “Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đồ muối ướp có chứa chất gây ung thư dạ dày, vì thế không nên quá lạm dụng, ăn trong thời gian dài”, PGS Nghị khuyên.
Ngoài những vấn đề trên, để phòng bệnh ung thư dạ dày người dân cần phải có lối sống, sinh hoạt lành mạnh. Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá và thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao…
Những người ung thư bị cắt dạ dày phải ăn uống thế nào?
Ths.BS Phí Thị Quang - Chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, với những người đã cắt dạ dày do ung thư cần ăn chia nhỏ bữa ăn cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Một ngày ăn 6 bữa, mỗi bữa một bát vừa phải (bao giờ cũng ăn khô, nhai kỹ).
- Không bao giờ uống trong khi ăn. Nếu khát, chỉ uống nước sau mỗi bữa ăn từ 1/2 giờ đến 1 giờ.
- Tránh dùng thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
- Tránh dùng đường nhưng được ăn bánh mì khô, cơm, xôi, bánh phở, khoai, bắp...chú ý nhai kỹ.
- Ăn tương đối nhiều thịt, cá, đậu phụ dưới dạng khô (càng cung cấp được nhiều chất đạm).
- Nên nghỉ ngơi trước cũng như sau bữa ăn, uống chậm rãi, nhai kỹ trước khi nuốt.
- Cần uống thêm thuốc bổ, cung cấp các sinh tố và muối khoáng bổ sung.
- Riêng Vitamin B12 thì dùng dạng thuốc tiêm mới hiệu quả.
Khi bị cắt dạ dày thì người bệnh cần ăn nhiều bữa nhỏ.
Để đảm bảo đủ chất và tránh bị thiếu máu do thiếu sắt, nên ăn đầy đủ các nhóm thức ăn, xếp theo các nhóm của tháp dinh dưỡng (trên cơ sở ăn 6 bữa/ngày), gồm:
- Thức ăn cơ bản gồm ngũ cốc hay khoai, mỗi bữa tương đương nửa bát cơm. Có thể thay thế bằng 1 cái bánh quy nhạt loại lớn hay 2 bánh quy nhỏ.
- Rau xào chừng 1/3 bát, trái cây (1/2 quả chuối vừa hay một quả chuối cau).
- 50g thịt, cá hay đậu hạt nấu chín (nếu là thịt hay cá khô, chỉ tính khoảng 25g) hoặc 1 quả trứng.
- Sữa chỉ nên dùng sau bữa ăn khoảng 30-60 phút (nếu không quen uống sữa bò, sữa tươi hay sữa bột thì có thể dùng sữa đậu nành).
- Dầu, mỡ, bơ đều dùng được nhưng chỉ ở mức vừa phải, phù hợp với khả năng tiêu hóa, miễn hôm sau không đi tiêu ra phân mỡ là được.
- Các loại quả hạch, các hạt nhiều dầu như hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, lạc... có thể dùng được tùy theo khả năng dung nạp, nhưng nhớ nhai kỹ.
Không để bụng quá đói
Theo TS. BS Phạm Văn Bình, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Robot, Trưởng khoa Ngoại bụng 1 Bệnh viện K cho hay, người dân cũng tuyệt đối không để dạ dày quá đói, bởi khi để đói kéo dài, lượng axit trong dạ dày cao trong khi đó dạ dày lại tăng cường co bóp. Đây là yếu tố làm tăng tổn thương niêm mạc dạ dày, tá tràng. Vì thế cần ăn đúng giờ, đúng cách, đảm bảo cho sức khỏe.
Không được nhịn ăn, nhất là ăn sáng; bữa tối chỉ ăn vừa đủ no. Sau bữa ăn, hạn chế vận động mạnh, chỉ vận động sau ăn khoảng 30 phút.
Đặc biệt, đối với những người nôn hay đại tiện ra máu mặc dù đây không phải dấu hiệu đặc biệt của ung thư dạ dày vì viêm ruột, viêm đại tràng cũng có thể có triệu chứng tương tự nhưng khi có dấu hiệu này cần đi khám ngay.
Người bị sụt cân bất thường, đi tiêu phân đen; đau dạ dày dai dẳng; chán ăn, ăn không ngon; ợ nóng, khó tiêu… là những chỉ dấu biểu hiện sớm của ung thư dạ dày thì cần đi kiểm tra sớm.
Người Việt ăn uống "chung đụng" dễ nhiễm khuẩn gây ung thư dạ dày