Các nhà khoa học Mỹ lần đầu tiên sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene để can thiệp vào phôi người.
Shoukhrat Mitalipov, nhà khoa học đứng đầu Trung tâm Tế bào Phôi và Liệu pháp gene của Đại học Khoa học & Sức khỏe Oregon (OHSU) ở Portland, lần đầu tiên áp dụng công nghệ chỉnh sửa gene trong phôi người, Reuters ngày 27/7 đưa tin.
Shoukhrat Mitalipov là nhà khoa học đầu tiên ở Mỹ chỉnh sửa ADN trong phôi người. (Ảnh: OHSU).
Mitalipov và các cộng sự sử dụng công nghệ CRISPR có khả năng chỉnh sửa gene nhanh chóng và hiệu quả. CRISPR hoạt động như chiếc kéo phân tử, cắt bỏ phần không mong muốn trên hệ gene và thay thế bằng các đoạn ADN mới.
Nghiên cứu của OHSU có thể tạo ra khác biệt hoàn toàn cả trong số phôi người được thí nghiệm lẫn trong việc cho thấy khả năng chỉnh sửa an toàn và chính xác các gene lỗi gây bệnh di truyền. Các phôi được chỉnh sửa gene không được để phát triển quá vài ngày.
Eric Robinson, người phát ngôn của OHSU, cho biết kết quả của nghiên cứu có thể sớm được công bố trên một tạp chí khoa học. Các nhà khoa học Trung Quốc từng công bố các nghiên cứu tương tự với kết quả khác nhau.
Hóa chất được tiêm vào trứng người nhằm ngăn chứng rối loạn do gene của người bố. (Video: Technology Review).
Theo các nhà khoa học và đạo đức học tại một hội nghị quốc tế ở Viện Khoa học Quốc gia (NAS), Washington hồi tháng 12/2015, sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene trong phôi người vì mục đích trị liệu là "vô trách nhiệm" chừng nào các vấn đề an toàn và hiệu quả chưa được giải quyết.
Đầu năm nay, NAS và Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết những bước tiến trong khoa học đã biến việc chỉnh sửa gene trong tế bào tái sinh sản thành một khả năng có thực và xứng đáng được xem xét.
Một số quốc gia trên thế giới đã ký hiệp định cấm chỉnh sửa phôi người vì quan ngại kỹ thuật này có thể được sử dụng để tạo ra những đứa trẻ mang những đặc điểm di truyền theo nguyện vọng của cha mẹ và các nhà khoa học.