Hội địa chất Mỹ ngày 23-4 cho biết các nhà khoa học Mỹ và Anh vừa phát hiện một khu rừng nhiệt đới hóa thạch cách đây 300 triệu năm tại một mỏ than ở bang Illinois, Mỹ.
Khu rừng này gồm hàng loạt các loài cây đã bị tuyệt chủng cao hơn 40 m, phủ lên một vòm các cây dương xỉ, mọc chen lẫn giữa rêu và cây bụi. Các nhà khoa học xác nhận chưa có nơi nào trên thế giới người ta có thể bước đi giữa một khu rừng nhiệt đới hóa thạch rộng như vậy.
Phát hiện này đã làm thay đổi nhận thức của giới địa chất về hệ sinh thái của các khu rừng nhiệt đới đầu tiên trên trái đất. Khu rừng hóa thạch này được bảo tồn sau một trận động đất dữ dội xảy ra cách đây 300 triệu năm, làm toàn bộ khu vực này chìm xuống dưới mực nước biển và từ đó khu rừng bị bùn đất chôn vùi vĩnh viễn.
Tiến sĩ Howard Falcon-Lang, Giáo sư Trường ĐH Bristol của Anh, thành viên nhóm nghiên cứu nói: "Thật là ấn tượng. Chúng tôi đi trên một chiếc xe bọc thép xuống độ sâu hàng trăm m dưới mỏ than. Các cây hóa thạch bám trên nóc vỉa than, vì vậy, sau khi bóc hết lớp than đi, khu rừng hiện ra ở trên trần hầm lò. Chúng tôi tiến sâu hàng dặm dọc theo hầm than, với những lớp cây hóa thạch ngay trên đầu. Nhờ ánh sáng của đèn đi lò, chúng tôi đã vẽ được bản đồ của khu rừng này".
Khu rừng hóa thạch gồm hàng loạt các loài cây đã bị tuyệt chủng cao hơn 40 m - (Ảnh: Telegraph) |
Khu rừng hóa thạch rộng trên 10.000 ha, cung cấp những bằng chứng độc đáo giúp con người hình dung được các khu rừng nhiệt đới tồn tại cách đây 300 triệu năm. Phần lớn các mỏ than trên thế giới đều được hình thành trong thời kỳ này.
Trước đó, các nhà khoa học biết rất ít về hệ sinh thái và cấu trúc quần thể của các loài cây cổ đại. Các hóa thạch cho thấy những khu rừng nhiệt đới đầu tiên trên trái đất rất đa dạng và các loài cây biến đổi theo từng khu vực địa lý. Các nhà khoa học đang tái hiện lại khu rừng nhiệt đới hóa thạch này ở qui mô lớn.