Cả 2 quốc gia đều đặt mục tiêu nghiên cứu xung quanh hố Shackleton gần cực nam của Mặt trăng, một vị trí thích hợp để hạ cánh và có thể chứa nước.
Hố Shackleton gần cực nam của Mặt trăng là một nơi có vị trí đặc biệt. Phần vành lộ ra của nó bị ánh sáng mặt trời liên tục “bắn phá”, trong khi phần bên trong vĩnh viễn chìm trong bóng tối.
Theo khảo sát, hố Shackleton có thể chứa nước đang bị đóng băng, với khả năng hỗ trợ sự sống cho căn cứ của con người nếu thăm dò Mặt trăng. Điều này đã thu hút sự quan tâm từ phía Mỹ và Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu chính sách của Mỹ cho biết những chương trình thăm dò Mặt trăng đang hoạt động độc lập, nhưng họ mong muốn giữ đường dây liên lạc mở với Trung Quốc để có thể làm việc theo nhóm.
Địa điểm quan trọng
Cả máy khảo sát IM-2 của Mỹ và tàu thăm dò Thường Nga 7 (Chang'e 7) của Trung Quốc sẽ khoan sâu một mét bên dưới bề mặt hố Shackleton và nghiên cứu các mẫu vật. Mỗi thiết bị cũng sẽ mang theo “phễu” để dò tìm trong các khu vực tối vĩnh viễn, bao gồm cả đáy hố nhằm tìm dấu vết của nước.
Lớp băng có thể được sử dụng để tạo ra oxy và hydro, sau đó chiết xuất không khí, nước uống và nhiên liệu để duy trì hoạt động thám hiểm có người lái. Điều này giúp cắt giảm chi phí khi loại bỏ quy trình vận chuyển tốn kém từ Trái đất.
Hình ảnh góc rộng về cực Nam của Mặt trăng. (Ảnh: NASA/Đại học bang Arizona).
Mặc dù những sứ mệnh không gian tương tự thường tạo cơ hội cho các quốc gia hợp tác với nhau. Tuy nhiên bản sửa đổi Wolf, một đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2011, đã hạn chế NASA làm việc trực tiếp với các tổ chức của Trung Quốc do lo ngại hành vi trộm cắp bí mật công nghệ.
Trong phiên điều trần về ngân sách năm tài khóa 2024 trước các nhà lập pháp Mỹ vào tháng 4, giám đốc NASA Bill Nelson cho biết đạo luật nên tiếp tục có hiệu lực và nhấn mạnh những lo ngại về một “cuộc chạy đua vào không gian” với Trung Quốc.
“Đây là nơi chúng ta sẽ đến và Trung Quốc cũng vậy. Mối quan tâm của tôi là nếu Trung Quốc đến đó trước, họ sẽ nói đó là lãnh thổ của họ và bạn đứng ngoài cuộc chơi”, Bill Nelson nói.
Thách thức khi nghiên cứu
Roger Handberg, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Trung tâm Florida, cho biết một số người coi không gian “như miền viễn Tây trước đây của Mỹ - bạn nắm quyền kiểm soát bởi vì bạn có thể”. Mặc dù có sự cạnh tranh nhưng ông Handberg vẫn lạc quan về sự hợp tác trong tương lai giữa Trung Quốc và Mỹ.
“Ngày nay, mọi người đều nói về Mỹ và Trung Quốc với tư cách là những bên đi đầu trong các hoạt động trên Mặt trăng. Cả hai quốc gia sẽ đóng vai trò chính trong việc quyết định những quy tắc, đồng nghĩa với việc bản sửa đổi Wolf có thể giúp thực hiện các công việc được hiệu quả hơn”, Roger Handberg nói.
Hố Shackleton có sự giao thoa nhiệt độ rất lớn. (Ảnh: ETHZ).
Mặc dù việc tìm thấy băng trên Mặt trăng sẽ mang lại lợi thế, ông Handberg cho biết có thể phải mất một thập kỷ trước khi Trung Quốc hoặc Mỹ phát triển công nghệ xử lý nó. Nhiệt độ ban ngày trên bề mặt Mặt trăng có thể đạt tới 120 độ C, song nó vẫn chứa một lượng băng lắng đọng trong phần bóng tối vĩnh viễn tại vệ tinh này.
Hiện tại, rất ít nơi trên Mặt trăng có các điều kiện cần thiết để con người khám phá lâu dài. Đoàn thám hiểm sẽ cần ánh sáng Mặt Trời liên tục để cung cấp năng lượng cho các phương tiện và căn cứ trên Mặt trăng, trong khi đáy hố Shackleton lại vĩnh viễn nằm trong bóng tối.
Vào năm 2021, NASA và công ty IM thông báo rằng họ sẽ phát triển một tàu đổ bộ Mặt trăng thương mại để đưa một mũi khoan băng đến khu vực được gọi là sườn núi kết nối Shackleton, ngay phía tây của miệng hố.
“Khu vực này nhận đủ ánh sáng Mặt Trời để cung cấp năng lượng cho tàu đổ bộ trong sứ mệnh kéo dài 10 ngày, đồng thời đưa tầm nhìn rõ nét tới Trái đất để liên lạc”, NASA cho biết.
Ngược lại, Trung Quốc vẫn chưa chính thức công bố địa điểm hạ cánh cho sứ mệnh Hằng Nga 7. Tuy nhiên theo Wu Yanhua, nhà thiết kế chính của chương trình Thám hiểm không gian Trung Quốc, khu vực quanh miệng hố Shackleton cũng là mục tiêu hàng đầu của nước này.
Các bài báo đăng trên nhiều tạp chí cũng cho thấy mối quan tâm mạnh mẽ của Trung Quốc đối với việc khám phá hố Shackleton. Nơi đây được xếp hạng thuận lợi nhất trong một phân tích năm 2020 về các khu vực và điểm phù hợp để hạ cánh ở cực nam Mặt trăng.
Mỹ-Trung nên hợp tác
Mặc dù cực nam có giá trị cao đối với các nhà khoa học cũng như những nhà thám hiểm, bề mặt của nó lại không bằng phẳng và đặt ra thách thức lớn đối với việc hạ cánh. “Đó là một nơi nguy hiểm để hạ cánh và có rất ít phần quý giá mà bạn mạo hiểm”, ông Nelson nói.
Vào tháng 8, NASA đã công bố lựa chọn 13 bãi đáp tiềm năng cho sứ mệnh Artemis III. Được lên kế hoạch sau năm 2025, sứ mệnh sẽ đánh dấu sự trở lại đầu tiên của con người với Mặt trăng sau nửa thế kỷ. Ngoài ra, đây sẽ là lần đầu tiên các phi hành gia khám phá cực nam của Mặt trăng.
Theo các nhà khoa học, 2 quốc gia nên cân nhắc hợp tác để giải quyết thách thức khi khám phá Mặt trăng. (Ảnh: The Week).
Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc cũng đã xác định được một số khu vực hạ cánh ưa thích ở cực nam, khả năng cao trùng lặp với các lựa chọn của NASA. Nước này hy vọng sẽ đưa phi hành gia lên Mặt trăng vào năm 2030.
Tuy nhiên, ngay cả khi các địa điểm hạ cánh có phần “chồng chéo”, xung đột nhiệm vụ khó có thể xảy ra. Mỗi địa điểm có diện tích hơn 100km vuông và có nhiều điểm hạ cánh. Mỹ và Trung Quốc cũng đang lắp ráp các trại của riêng họ trong khuôn khổ Hiệp định Artemis và Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế.
“Mặc dù những tay chơi lớn sẽ lãnh đạo một khu vực cụ thể, họ nên tương tác để cùng nhau tồn tại vì môi trường Mặt trăng rất khắc nghiệt và không khoan nhượng,” Handberg nhận định.
Ông Brian Weeden, Giám đốc chiến lược của Secure World Foundation, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cũng kêu gọi chính phủ Mỹ nên nối lại hoạt động hợp tác song phương với Trung Quốc.
“Quốc hội nên xem xét lại bản sửa đổi Wolf để cho phép NASA tham gia vào các hoạt động không gian với Trung Quốc nhằm hỗ trợ lợi ích của Mỹ”, Weeden nói.