Một khu vực có diện tích khoảng 700 km vuông tại địa cực nam của trái đất đã vỡ vụn thành các tảng băng.
Ảnh do vệ tinh chụp cho thấy khối băng vỡ thành hàng vạn tảng nhỏ. Ảnh: Reuters. |
Angelika Humbert, một chuyên gia về băng của Đại học Muenster (Đức), cho biết, vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã phát hiện sự biến mất của khối băng tại thềm băng Wilkins (phía bắc Nam Cực). Nó có diện tích lớn hơn Singapore, Bahrain và gần bằng diện tích của thành phố New York (Mỹ). Nó đã biến thành hàng vạn tảng băng trôi.
Sự kiện này xảy ra sau khi một cầu băng khổng lồ tại Nam Cực sụp đổ vì tình trạng ấm lên toàn cầu. Đây cũng là khối băng thứ 10 tại cực nam của trái đất vỡ vụn, trong đó 9 khối trước biến mất trong vòng 50 năm. Chúng trôi nổi trên đại dương hoặc nằm tiếp giáp với bờ biển.
Theo Humbert, thềm băng Wilkins có thể đã mất 800-3.000 km vuông băng sau khi chiếc cầu khổng lồ sụp đổ. Tính tới nay, thềm băng này - có diện tích 16.000 km vuông - đã mất khoảng một phần ba diện tích trong vài thập kỷ qua. Độ dày của băng lớn đến nỗi nó phải trải qua vài trăm năm mới có thể hình thành.
Nền nhiệt độ ở bán đảo Nam Cực đã tăng tới 3 độ C trong thế kỷ 21 do hiệu ứng nhà kính. Sự tan vỡ của các khối băng không làm mực nước biển tăng mạnh vì chúng biến thành những tảng băng nhỏ trôi nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại rằng sự biến mất của chúng sẽ khiến các lớp băng trên đất liền di chuyển nhanh hơn, làm tăng thêm lượng nước đổ ra đại dương.