Nấm đắt nhất thế giới bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu

Mùa hè kéo dài do biến đổi khí hậu khiến nấm cục trắng Alba đắt hơn vàng miếng, khó phát triển và trở nên khan hiếm hơn.

Nấm Truffle hay còn gọi là nấm cục trắng thường được thấy nhiều ở thị trấn Alba, thuộc Piedmont, Italy, có mùi thơm nồng và vị ngọt kỳ lạ, đôi lúc còn phất thoảng hương tỏi.

Nấm truffle được mệnh danh là "vua của các loại nấm" bởi giá trị dinh dưỡng cao, mùi hương đặc trưng không thể nhầm lẫn. Mỗi món ăn chỉ cần một lát nấm là đã có thể dậy lên hương vị tuyệt hảo. Chính vì sự quý hiếm và mùi vị đặc trưng mà giá của loại nấm này còn đắt hơn cả tôm hùm, đắt hơn vàng miếng và bất kỳ loại nấm nào khác.


Nấm cục trắng là loại nấm đắt nhất thế giới. (Ảnh: Global News).

Với nguồn cung cấp hạn chế và nhu cầu tăng vọt, nấm cục trắng có giá lên tới 4.790 USD/kg tại Hội chợ nấm cục trắng Alba quốc tế kết thúc vào ngày 8/12 năm nay. Hai cây nấm cục trắng song sinh có chung rễ là tâm điểm tại hội chợ với trọng lượng 905 g và bán với giá 150.000 USD cho một tỷ phú Hong Kong.

Đắt giá như vậy nhưng nấm cục trắng đang bị suy giảm. Trong 3 thập kỷ qua, khu vực dành cho nấm cục trắng ở Italy đã giảm 30%, nhường chỗ cho những vườn nho và rừng hạt phỉ đem lại lợi nhuận cao hơn. Nhưng mối đe dọa chính đối với nấm cục trắng là biến đổi khí hậu. Hiện tượng ấm lên toàn cầu, chặt phá rừng và thay đổi nhiệt độ đột ngột đều là yếu tố góp phần làm suy yếu môi trường sống tự nhiên của loài nấm này.

Không giống các loại nấm thông thường khác, nấm cục trắng mọc dưới lòng đất, cộng sinh cùng với cây gỗ cứng bằng cách bám vào rễ của chúng. Để tồn tại, nấm cục cần môi trường lạnh và ẩm ướt. Tuy nhiên, vào đầu tháng 11, nhiệt độ trong vùng là 20 độ C. Với thời tiết mùa hè kéo dài, sản lượng đang giảm đi.

Carlo Marenda thành lập hiệp hội "Save the Truffle" năm 2015 cùng với nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên Edmondo Bonelli. "Nếu muốn ngăn nấm cục biến mất, chúng ta phải bảo vệ rừng, ngừng gây ô nhiễm nguồn nước và trồng nhiều cây mới", họ chia sẻ. Mười năm sau, nhờ sự quyên góp và hỗ trợ của nhiều nhà trồng rượu, hiệp hội đã trồng hơn 700 cây ở vùng đồi Langhe, bao gồm cây bạch dương, sồi và cây đoạn.

Mùa thu hoạch kéo dài từ tháng 10 tới cuối tháng 1 đang trở nên ngắn hơn. Với thời tiết lạnh và tuyết xuất hiện muộn hơn, mùi hương của nấm cục không đạt 100% và không duy trì lâu, theo Marenda. Mưa nhiều như vài tuần gần đây cũng có thể gây hại. "Nếu có quá ít nước, nấm cục không phát triển. Nếu quá nhiều nước, nấm sẽ bị thối", ông nói.

Dù nấm cục có trên đà tuyệt chủng hay không, theo Mario Aprile, chủ tịch hiệp hội săn nấm cục Piedmont, nấm cục trắng không thể nuôi trồng như loại đen. Không có cây gỗ, nấm sẽ không tồn tại, do đó cần trồng cây để khôi phục sự đa dạng sinh thái.

Cập nhật: 13/11/2024 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video