Con người có tới hai khu vực riêng biệt trên não để xử lý các mối nghi ngờ, trong đó vùng não thứ hai chỉ “sáng lên” khi bắt gặp những người mà chúng ta cảm thấy không tin tưởng.
>>> Soi mắt phát hiện kẻ nói dối
Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Carilion Virginia (Mỹ) đã phát hiện thấy, tâm trạng hoài nghi, nghi ngờ của chúng ta “cư ngụ” ở vùng não amygdale - vốn giữ vai trò trung tâm trong việc xử lý nỗi sợ và các ký ức xúc cảm, cùng với vùng não parahippocampal gyrus, vốn gắn liền với trí nhớ và sự hồi tưởng hình ảnh.
Con người đã tiến hóa thành những sinh vật "hoài nghi bẩm sinh"?
Đầu tiên, nghi ngờ là một “cảm xúc” và các tình nguyện viên - vốn được nối dây tới máy quét MRI - đã cho thấy hoạt động ở vùng não amygdale phụ trách sợ hãi.
Nhưng ngay sau đó, một khu vực khác lại sáng lên và đó chính là p.gyrus. “Có vẻ như loài người đã tiến hóa để trở thành những sinh vật luôn luôn hoài nghi”, ông Read Montague, Giám đốc Phòng thí nghiệm Thần kinh tại Viện nghiên cứu Carilion bình luận trên DailyMail.
“Điều khiến chúng tôi bất ngờ là khi hành vi của một ai đó làm dấy lên sự ngờ vực, vùng não p.gyrus cũng sáng lên và hoạt động như thể một máy phát hiện nói dối bẩm sinh”.
Mặc dù vậy, theo ông Montague, các bài kiểm tra về mua và bán cũng cho thấy, việc không tin tưởng vào người khác không phải lúc nào cũng là một xuất phát điểm tốt.
“Những người có tư tưởng ngờ vực cao độ dễ dàng phớt lờ các thông tin do người mua cung cấp và vì thế mà họ bỏ qua lợi nhuận tiềm năng”.
Trên thực tế, theo các nhà khoa học, khả năng nhận ra những thông tin đáng tin cậy trong một môi trường cạnh tranh cũng quan trọng chẳng kém gì việc “đánh hơi” những hành vi kém tin tưởng.