Kính viễn vọng không gian James Webb đã chụp được khoảnh khắc hiếm hoi của một ngôi sao đang trên bờ vực của "cái chết".
Ngôi sao Wolf-Rayet 124, ở giữa, tỏa ra luồng vật chất lớn, được cho là giai đoạn cuối cùng trước khi nó phát nổ. Bức ảnh do kính viễn vọng không gian James Webb chụp từ tháng 6/2022 nhưng mới được công bố. (Ảnh: NASA/AP).
Bức ảnh được NASA công bố hôm 14/3 tại hội nghị South by Southwest ở Austin, bang Texas (Mỹ), AP đưa tin.
Đây là một trong những quan sát đầu tiên do kính James Webb thực hiện sau khi được phóng lên vũ trụ vào cuối năm 2021. Mắt hồng ngoại của kính đã quan sát được tất cả khí và bụi do một ngôi sao nóng, khổng lồ, cách Trái đất 15.000 năm ánh sáng tỏa vào không gian.
Lớp vật chất tỏa ra lung linh với màu hồng và tím như hoa anh đào. Một phần của nó từng là lớp vỏ ngoài của ngôi sao.
Cách đây vài thập kỷ, kính viễn vọng không gian Hubble cũng từng chụp được ảnh của ngôi sao nói trên, nhưng trong ảnh này nó trông giống quả cầu lửa và không có các chi tiết tinh tế như bức ảnh mới.
Theo các nhà khoa học, sự biến đổi như vậy chỉ xảy ra với một số ngôi sao và thường là giai đoạn cuối trước khi chúng phát nổ, trở thành siêu tân tinh.
“Chúng tôi chưa bao giờ thấy nó như thế trước đây”, Macarena Garcia Marin, một nhà khoa học của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, người tham gia dự án, cho biết.
Theo NASA, ngôi sao này trong chòm sao Nhân Mã, có tên chính thức là WR 124, lớn gấp 30 lần Mặt trời và đã phát ra đủ vật chất để tạo nên 10 Mặt trời.