NASA: Làm chệch hướng thiên thạch bằng vũ khí hạt nhân

Quang Thịnh

Theo kế hoạch mới của NASA, tên lửa mang đầu đạn hạt nhân sẽ được sử dụng để làm chệch hướng những thiên thạch có khả năng va vào Trái Đất. Kế hoạch này có thể được thực hiện vào năm 2020 hoặc 2021.

Là nỗ lực mới nhất của Cơ quan Hàng không và Không gian Hoa Kỳ (NASA) nhằm cứu Trái Đất trước nguy cơ va chạm với các vật thể vũ trụ, kế hoạch này được xây dựng dựa theo một ý tưởng được đưa ra tại Hội nghị Bảo vệ hành tinh ở Washington D.C. vào tháng 3 năm nay.

Dùng 6 đầu đạn hạt nhân B83

Từ khi có dự báo về việc tiểu hành tinh Apophis có thể va vào Trái Đất vào năm 2036 với xác suất 1/45.000, NASA đã không ngừng xem xét các giải pháp để làm chệch hướng các thiên thạch, nhưng dường như họ vẫn chưa hài lòng với giải pháp nào.

Mỗi tên lửa có gắn một đầu đạn hạt nhân B83 1 megaton, tương đương 1 triệu tấn thuốc nổ TNT (Ảnh: NASA)

Mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Du hành Vũ trụ Marshall của NASA đã đề xuất một kế hoạch mới: dùng tàu vũ trụ tạo ra một vụ nổ hạt nhân để làm chệch hướng thiên thạch. Theo phương thức này, một tàu vũ trụ được gọi là “phương tiện làm chệch hướng tiểu hành tinh” (asteroid deflector) sẽ được phóng đi từ quỹ đạo thấp của Trái Đất bằng tên lửa Ares V – loại tên lửa thế hệ mới của NASA.

Khi tiếp cận thiên thạch, tàu vũ trụ này sẽ lần lượt phóng ra 6 tên lửa đánh chặn (interceptor) – ở đầu mỗi tên lửa có gắn một đầu đạn hạt nhân B83 1 megaton (tương đương 1 triệu tấn thuốc nổ TNT). Mỗi tên lửa sẽ được bắn ra cách nhau 1 tiếng đồng hồ. Những đầu đạn này sẽ được kích nổ từng cái một gần bề mặt của thiên thạch, tạo ra một lực đẩy đủ để làm nó trượt ra khỏi quỹ đạo nguy hiểm cho Trái Đất.

Theo nhóm nghiên cứu, 6 đầu đạn hạt nhân này đủ khả năng để đẩy một vật thể có kích thước như tiểu hành tinh Apophis (đường kính hơn 300 mét).

Hành động 2 – 5 năm trước khi va chạm xảy ra

Theo NASA, đến thập niên 2020, “giải pháp dùng tên lửa đánh chặn có thể làm chệch hướng những vật thể gần Trái Đất (NEO) có đường kính 100 - 500 mét ở thời điểm 2 năm trước khi sự va chạm có thể xảy ra; còn đối với những NEO lớn hơn thì thời gian này tối thiểu sẽ là 5 năm”.

Giải pháp dùng tên lửa đánh chặn có thể làm chệch hướng NEO có đường kính từ 100 – 500 mét ở thời điểm 2 năm trước khi sự va chạm có thể xảy ra. (Ảnh: Crystalinks.com)

Trong những năm gần đây, sự khám phá về một số tiểu hành tinh nguy hiểm tiềm tàng đối với Trái Đất đã thúc đẩy cộng đồng thế giới phát triển một khái niệm được gọi là “Hạn chế ảnh hưởng của vật thể gần Trái Đất”, mà cụ thể là làm chệch hướng các thiên thạch có khả năng đe dọa Trái Đất .

Đáng chú ý là vào tháng 6/2002, một tiểu hành tinh đã di chuyển ngang qua Trái Đất ở khoảng cách bằng 1/3 khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng, nhưng phải mất đến 3 ngày sau khi sự kiện xảy ra thì các nhà khoa học mới biết!

Theo nhóm nghiên cứu, kế hoạch này có thể là giải pháp cuối cùng và tốt nhất để làm lệch quĩ đạo của những thiên thạch rắn trong một khoảng thời gian ngắn trước khi chúng va vào hành tinh.

Những giải pháp khác cũng đã được xem xét, như làm nổ tung thiên thạch hay tập trung tia sáng Mặt Trời để tạo lực đẩy, nhưng những giải pháp này hoặc không bảo đảm an toàn hoặc phải tốn quá nhiều thời gian để thực hiện.

Theo Flight Global, Fox News, Engadget, VietNamNet 

Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video