Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Scotland, việc dùng gương đặt trong vũ trụ để tập trung ánh sáng Mặt Trời vào thiên thạch là cách tốt nhất để làm chệch quỹ đạo của những vật thể nguy hiểm đối với Trái Đất.
Nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Glasgow, Scotland, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Massimiliano Vasile, đã so sánh nhiều phương thức làm chệch hướng thiên thạch, trong đó có cả việc dùng vũ khí hạt nhân. Những phương thức đó được đánh giá theo 3 tiêu chí: mức độ thay đổi về quỹ đạo của thiên thạch; thời gian cảnh báo trước cần có; và khối lượng tàu vũ trụ thích hợp để sử dụng.
Sau khi phân tích và đánh giá các phương thức, các chuyên gia Scotland nhận định rằng việc dùng hệ thống gương đặt trong vũ trụ là giải pháp tối ưu nhất.
Theo phương thức này, tàu vũ trụ sẽ được phóng đi từ Trái Đất để tiếp cận tiểu hành tinh, sau đó gương trên tàu sẽ tập trung ánh nắng Mặt Trời vào những địa điểm được chọn sẵn trên bề mặt tiểu hành tinh. Ánh nắng Mặt Trời phản chiếu qua hệ thống gương sẽ nung nóng bề mặt thiên thạch với nhiệt độ lên đến 2.100°C, đủ để làm nó bốc hơi. Khi đó, những chất khí thoát ra từ bề mặt thiên thạch sẽ tạo ra một lực đẩy làm thay đổi hướng di chuyển của nó.
Theo các chuyên gia Scotland, giải pháp tốt nhất để làm chệch hướng những vật thể nguy hiểm là sử dụng gương đặt trong vũ trụ. (Ảnh: space.newscientist.com) |
Nhóm nghiên cứu cho rằng có thể điều chỉnh hướng một thiên thạch có đường kính 150 mét bằng 100 chiếc gương trong vòng vài ngày. Nhưng đối với vật thể có đường kính 20 km – như trong trường hợp đã làm tuyệt chủng loài khủng long – 5.000 tấm gương cần được sử dụng trong thời gian 3 năm hoặc hơn.
Theo giáo sư Vasile, nghiên cứu này không phải là chuyện khoa học viễn tưởng, mà là một thực tế khoa học.
Ông nói: “Giải pháp này hoàn toàn khả thi và nằm trong tầm tay của chúng tôi. Không như các phương án dùng chất nổ để tác động hay dùng tàu vũ trụ đâm thẳng vào thiên thạch, phương án này giúp Trái Đất tránh được nguy hiểm từ các mảnh vỡ của thiên thạch khi nó nổ tung”.
Ông nhấn mạnh: “Va chạm với tiểu hành tinh là một mối đe doạ thực sự. Sự cố ở Tunguska năm 1908 đã tàn phá một khu vực có diện tích lớn hơn Greater London. Với 10 tàu vũ trụ – mỗi tàu nặng khoảng 500 kg và mang một tấm gương rộng 20 mét, chúng tôi hoàn toàn có thể làm lệch hướng 1 vật thể tương tự như thế”.
Theo các chuyên gia, những tiểu hành tinh có đường kính lớn hơn 5 km lao vào Trái Đất với tần suất 6 triệu năm 1 lần. Nhưng đối với những thiên thạch nhỏ hơn (khoảng 140 mét), tần suất đó chỉ là 5.000 năm 1 lần, và khi một sự cố như thế xảy ra, thiệt hại đối với Trái Đất là không thể lường trước được.
Giáo sư Vasile và các cộng sự đã giới thiệu phương thức mới này tại Đài quan sát Jodrell Bank ở Macclesfield (Anh), nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày phóng vệ tinh Sputnik (04/10/1957) vừa qua.
Thiên thạch va vào Trái Đất sẽ gây ra những thiệt hại không thể lường trước được. (Ảnh: solarvoyager.com) |
Quang Thịnh