Nếu có thể thoải mái thay thế nội tạng bị hỏng, liệu con người có trở nên bất tử?

Phải chăng đây chính là chìa khóa cho sự bất tử mà loài người đang tìm kiếm?

"Thời gian là vô giá" thì luôn đúng, vì dù bạn có tiền thì nó vẫn cứ trôi đi, không chờ đợi một ai cả. Nhưng thời gian của mỗi người mỗi khác. Tuổi thọ của chúng ta khác nhau, và có lẽ tất cả đều muốn sống càng lâu càng tốt, miễn là duy trì được một cơ thể trẻ trung và khỏe mạnh.

Cơ thể của chúng ta vốn được cấu tạo từ rất nhiều tế bào. Chúng không ở yên một chỗ, mà liên tục phân chia, tạo mới rồi chết đi. Quá trình này có hạn, và đó chính là tuổi thọ của chúng ta.

Hay nói cách khác, các cơ quan trong cơ thể có "hạn sử dụng". Khi "hạn sử dụng" qua đi, cũng là lúc chúng ta rời bỏ thế gian này.


Nếu được ghép tạng thoải mái, liệu con người có bất tử?

Nhưng sẽ như thế nào nếu như bạn có thể thay thế mọi bộ phận trong cơ thể trước khi "hết hạn"? Ví dụ nếu tim hoặc phổi yếu đi, bạn sẽ thay một quả tim mới, một lá phổi mới trẻ hơn, khỏe hơn? Và nếu điều này có thật, phải chăng đó chính là chìa khóa đến sự bất tử mà loài người đang tìm kiếm?

Bạn thực sự có thể sống lâu hơn - về lý thuyết

Ở thời điểm hiện tại, quả thực khó mà tưởng tượng được việc con người có thể thoải mái thay thế, cấy ghép nội tạng, vì nguồn cung không đủ. Nhưng trong tương lai thì hoàn toàn có thể! Con người đang có những dự án nuôi cấy nội tạng người trong phòng thí nghiệm với nhiều tín hiệu khả quan.

Tóm lại, giả sử chúng ta đang ở trong tương lai có thể ghép tạng thoải mái, thì việc này có thể kéo dài tuổi thọ của con người đến cỡ nào?


Trong tương lai, con người có thể sống lâu hơn khi thay ghép nội tạng.

Về mặt lý thuyết, chúng ta thực sự có thể sống lâu hơn. Việc có thể thay thế tim và thận có thể kéo dài tuổi thọ con người thêm khoảng 20 năm. Trên thực tế, ông trùm nhà băng David Rockefeller đã có đến 7 lần ghép tim và 2 lần thay thận. Kết quả, ông thọ 101 tuổi.

Một bệnh nhân nếu được thay thận có thể sống thêm 10 - 15 năm. Một lần thay tim, bạn sẽ sống được thêm 20 năm. Với một lá gan mới, tuổi thọ tăng thêm khoảng 30 năm. Khi thay phổi, bạn được cộng 10 năm tuổi thọ. Và nếu là thay ruột, con số là 5 năm.

Nhưng thực tế thì sao?

Trong thực tế, sẽ có nhiều vấn đề cần phải cân nhắc trước khi phẫu thuật. Chẳng hạn như rủi ro gặp phải lúc chăm sóc hậu phẫu, như nhiễm trùng, hoặc bị hệ miễn dịch đào thải.

Dự án nuôi cấy nội tạng bằng tế bào gốc nếu thành công sẽ giúp các bác sĩ không cần bận tâm về nguy cơ nội tạng bị đào thải. Nhưng nhiễm trùng thì khác! Trong tương lai, đây có thể là nguyên nhân gây chết người hàng đầu, vì các vi khuẩn hiện tại đang dần kháng lại những loại thuốc mạnh nhất.


Việc ghép tạng quả thực sẽ giúp bạn sống lâu hơn, nhưng nếu ghép tạng chỉ để kéo dài tuổi thọ thì rất khó.

Hơn nữa ngay cả khi có thể thoải mái ghép tạng, sẽ có những yếu tố khiến bạn không thể sống quá lâu. Đó là bởi ADN của chúng ta cũng có hạn.

Trong tế bào của chúng ta có một thứ gọi là vòng telomere - là những trình tự lặp lại ADN tại các đầu mút của nhiễm sắc thể. Telomere có vai trò bảo vệ các nhiễm sắc thể trong quá trình phân bào, và mỗi lần tế bào phân chia, telomere sẽ ngắn đi một chút.

Một tế bào sẽ "ngủm" sau khi phân chia khoảng 50 - 70 lần, và đó là lúc telomere ngắn đến mức cực đại. Hay nói cách khác, người nào có telomere càng dài, người đó càng sống thọ.

Nói tóm lại, việc ghép tạng quả thực sẽ giúp bạn sống lâu và khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên nếu ghép tạng chỉ để kéo dài tuổi thọ thì rất khó, khoa học sẽ cần phải nỗ lực rất nhiều mới có thể thực sự biến nó thành hiện thực.

Cập nhật: 01/04/2019 Theo helino
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video