James O'Donoghue đứng trên bãi biển và bấm những ngón chân của mình xuống nền cát sũng nước. Những hạt cát sần sật cố chen vào từng kẽ chân của ông ấy, trong khi nước bị ép ra khỏi lớp vỏ Trái đất đã nhấn chìm được một nửa bàn chân.
Nhà khoa học hành tinh làm việc tại Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) tự hỏi: Ngay dưới chân mình lúc này là gì? Nó chẳng phải là hai nguyên tố chiếm lĩnh phần lớn lớp vỏ địa cầu, nơi ông ấy và hơn 7 tỷ người khác đang sống hay sao?
Nhưng hàng km sâu xuống lớp vỏ ấy, Trái đất còn những nguyên tố nào khác nữa? Và nếu ông có thể gọt lớp vỏ của hành tinh như gọt một quả cam, thì bên dưới lớp cùi sẽ trông như thế nào?
Đó là năm 2019 và James O'Donoghue đã đem những câu hỏi của mình gửi tới Tiến sĩ Christine Houser, một nhà địa vật lý và địa chấn học tại Viện Khoa học Sự sống Trái đất của Nhật Bản. Houser ngay lập tức nảy ra một ý tưởng: Ông ấy muốn làm một video minh họa cấu tạo của lớp vỏ Trái đất, để cho mọi người thấy nó mỏng đến nhường nào.
Trái đất không hẳn là một viên bi xanh sau khi lớp vỏ của nó đã được lột bỏ.
"Trong khi chúng ta đã có rất nhiều hình ảnh sống động cho thấy Trái đất là một quả cầu nước màu xanh, chưa có bất kỳ hình ảnh nào thể hiện lớp vỏ của nó và bên dưới", O'Donoghue nói với Business Insider trong một email.
Và thực sự thì Trái đất không hẳn là một viên bi xanh sau khi lớp vỏ của nó đã được lột bỏ. Dưới đây là đoạn video minh họa được thực hiện bởi Tiến sĩ Christine Houser và James O'Donoghue cho chúng ta thấy bên dưới bề mặt hành tinh chúng ta có gì:
Mặc dù O'Donoghue là một nhà khoa học hành tinh, nhưng những thông tin mà tiến sĩ Houser chia sẻ vẫn khiến ông phải ngạc nhiên. "Lớp áo (mantle) của Trái đất có màu xanh lá và tôi chưa từng biết điều đó", O'Donoghue nói. "Mặc dù ở đó rất nóng, nhưng chưa đủ nóng để khiến nó cháy đỏ rực".
Lớp Mantle hay lớp áo của Trái đất mà O'Donoghue nhắc tới là một lớp ngăn cách lớp vỏ và lớp lõi của hành tinh. Mantle thường có thành phần từ đá hoặc băng và đối với Trái đất, nó có một màu như màu xanh lá.
Phía trên lớp áo mantle là vỏ của Trái đất, dày khoảng 50km. Để so sánh, điểm sâu nhất của đại dương mới chỉ cắt được vào một phần mười lớp vỏ này, ở khoảng 5km. Thành phần chủ yếu của vỏ Trái đất chính là silicon dioxide - còn được gọi là silica, một hợp chất tạo nên phần lớn cát trên thế giới.
Ngoài ra, nó còn chứa 15,1% nhôm oxide, 6,1% canxi oxide, 4,9% sắt oxide, 4,8% là nước, 4,5% magie oxide và 6,9% là các hợp chất khác. Mặc dù vậy, tất cả những vật chất trên lớp vỏ cộng lại mới chỉ chiếm 0,49% khối lượng Trái đất.
O'Donoghue viết trên Twitter: "Hãy nhớ bề mặt Trái đất chính lớp mà mọi sinh vật (được biết đến) đã từng sống". Lớp đá và nước mỏng đó cũng là nơi xảy ra các trận động đất khủng khiếp và là nơi mà con người đang cắt vào bề mặt hành tinh để khai thác khoáng sản.
Tất cả những gì có thể khiến một nhà khoa học hành tinh như O'Donoghue ngạc nhiên "không phải là các thành phần của vỏ Trái đất (tôi đã biết sơ sơ về chúng), thực ra lại là sự đối lập giữa sự to lớn của nó so với một phần nhỏ khối lượng của Trái đất. Tôi nghĩ nhiều người khác sẽ ngạc nhiên về sự vắng mặt của những thứ như natri và carbon, v.v., những nguyên tố phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta".
Nhưng sự thật là những nguyên tố của sự sống đang luân chuyển khắp bề mặt Trái đất, từ nước, sinh vật sống và bầu khí quyển, chúng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong lớp vỏ của hành tinh. Chúng ta chỉ đang nhìn thấy chưa đến 0,5% Trái đất, hay ngôi nhà chung của chính bản thân mình mà thôi.