Từng là nước đầu tiên phóng vệ tinh nhân tạo lên vũ trụ, giờ đây ảnh hưởng của Nga trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học đang giảm dần bởi nhiều nguyên nhân.
Số lượng nghiên cứu khoa học của Nga chỉ còn chiếm 2,6% tổng số nghiên cứu của thế giới. Ảnh: streetauthority.com. |
Hãng Thomson Reuters đã tiến hành khảo sát số lượng nghiên cứu khoa học của nhiều nước trong 5 năm qua. Kết quả cho thấy số lượng nghiên cứu của Nga chỉ chiếm 2,6% so với tổng số nghiên cứu của thế giới.
Cụ thể, số lượng nghiên cứu của Nga lớn hơn Brazil (102.000 công trình, chiếm 2,1% thế giới) nhưng ít hơn Ấn Độ (144.000 công trình, chiếm 2,9% thế giới) và ít hơn nhiều so với Trung Quốc (415.000 nghiên cứu, 8,4%).
Trong lúc số lượng nghiên cứu của nhiều nước tăng dần theo từng năm thì Nga lại phải vật lộn để số lượng công trình khoa học trong năm sau không thấp hơn năm trước. Tuy nhiên, nền khoa học của nước này đã tụt hậu trong nhiều lĩnh vực từng là thế mạnh của họ – như vật lý và khoa học vũ trụ. Đây là đánh giá của Jonathan Adams, giám đốc nghiên cứu của Thomson Reuters.
“Nga từng dẫn đầu về nghiên cứu khoa học tại châu Âu và trên toàn thế giới trong một quãng thời gian dài. Vì thế chúng tôi cảm thấy sốc khi nhận thấy tỷ lệ công trình nghiên cứu khoa học của nước này chiếm tỷ lệ ngày càng nhỏ so với thế giới”, báo cáo nói trên viết.
Nga cũng đang mất dần ảnh hưởng trong những lĩnh vực từng là thế mạnh của họ, chẳng hạn như năng lượng hạt nhân. Giới khoa học Nga tập trung vào vật lý và hóa học, còn nông nghiệp và khoa học máy tính ít được quan tâm.
Báo cáo cũng cho thấy Mỹ - nước dẫn đầu về nghiên cứu khoa học – đã thay thế Đức để trở thành đối tác quan trọng nhất của các nhà khoa học Nga.
Theo Reuters, vào tháng 10/2009, hơn 170 nhà khoa học Nga đã ký tên vào một lá thư gửi tới Tổng thống Dmitry Medvedev và Thủ tướng Vladimir Putin để phản ánh về “tình trạng đáng báo động của những ngành khoa học cơ bản”.
Giới quan sát cho rằng chủ trương cắt giảm ngân sách dành cho các cơ sở nghiên cứu, tình trạng chảy máu chất xám và sự giảm động lực nghiên cứu của các nhà khoa học là những nguyên nhân chính khiến số lượng nghiên cứu khoa học của Nga giảm.
“Theo một thống kê vào năm 2007, chỉ có một số viện nghiên cứu hàng đầu của Nga có ngân sách bằng 3-5% so với những viện nghiên cứu nổi tiếng nhất ở Mỹ”, báo cáo cho biết.
Độ tuổi trung bình của các thành viên trong Viện Hàn lâm Khoa học Nga là hơn 50. Trong một cuộc thăm dò ý kiến tại Nga vào năm 2006, chỉ có 1% số người tham gia nói khoa học là nghề danh giá.