Có lẽ bạn khó có thể tưởng tượng ra cảnh các nhà khoa học rất thông thái với cặp kính cận và bộ áo trắng mà lại cãi nhau om sòm trong phòng thí nghiệm. Những mối hiềm khích trong giới khoa học rất sâu sắc và dai dẳng. Đôi khi, để tranh đấu và bảo vệ cho quan điểm của mình, các nhà khoa học phải chịu hy sinh cả tính mạng.
Vụ tranh cãi giữa 2 nhà thiên văn Shapley và Curtis “ầm ĩ” đến nỗi giới thiên văn dùng cụm từ “Vụ tranh cãi lớn” khi nhắc đến nó.
Ngày 26/04/1920, Shapley đã tham gia “Cuộc tranh cãi lớn” với Heber D. Curtis về quy mô của vũ trụ. Shapley đã phản đối luận điểm Mặt Trời nằm ở trung tâm Ngân Hà, đồng thời cho rằng, các cụm sao hình cầu và những “tinh vân xoắn ốc” đều thuộc Ngân Hà. Shapley đã đúng khi khẳng định Mặt Trời không nằm ở trung tâm Ngân Hà.
Tuy nhiên, do các số liệu về kích thước thu được lớn hơn thực tế nên Shapley đã sai khi kết luận những “tinh vân xoắn ốc” cũng nằm trong Ngân Hà chứ chúng không phải là những hệ sao độc lập. Curtis đã đúng khi kết luận “tinh vân Andromeda” (chính xác là thiên hà Andromeda) là một hệ sao độc lập nằm ngoài Ngân Hà. Cuối năm 1924, Edwin Hubble đã chứng minh luận điểm trên của Curtis.
Isaac Newton không phải là một người dễ chịu. Những mối quan hệ của ông với các học giả khác rất tai tiếng; phần lớn giai đoạn sau của cuộc đời ông gắn liền với những vụ tranh cãi gay gắt.
Một tranh chấp khá “tai tiếng” đã xảy ra giữa ông với nhà triết học Đức Gottfried Leibniz vào năm 1711. Cả Leibniz lẫn Newton đã phát triển (độc lập với nhau) ngành toán học Vi tích phân (Calculus). Sau đó đã nảy sinh cuộc tranh cãi om sòm chung quanh việc ai là người đầu tiên phát triển ngành toán học này. Khi cuộc cãi vã có quy mô lớn, Leibniz mắc sai lầm lớn là kêu gọi Hội Hoàng gia giải quyết; Newton vốn là Chủ tịch Hội hoàng gia, đã chỉ định một hội đồng “không thiên vị” để tra xét vấn đề. Hội đồng này “tình cờ” lại gồm toàn những người bạn của Newton. Năm 1711, John Keill, viết trong tạp chí của Hội Hoàng gia đã cáo buộc Leibniz ăn cắp vi tích phân từ Newton. Các nhà viết sử toán học từ 1900 trở đi đã thừa nhận Leibniz vô tội, và chỉ ra những khác biệt quan trọng giữa hai phiên bản vi tích phân của Leibniz và Newton.
Trong một cuộc tranh luận, có lẽ bạn sẽ dễ dàng chiếm ưu thế hơn nếu đối phương đã “khuất bóng”. Đây là trường hợp cuộc tranh luận giữa Margaret Mead và Derek Freeman. Freeman – một nhà nhân chủng học người New Zealand – bất đồng với thuyết “Định luận văn hóa” của Margaret Mead – một nhà nhân chủng học văn hóa nổi tiếng của Mỹ. Nhưng Freeman chỉ công khai chỉ trích thuyết này 5 năm sau khi M. Mead đã mất (1983).
Thuyết định luận văn hóa của M. Mead cho rằng quá trình phát triển tâm lý ở tuổi thành niên bị chi phối bởi yếu tố văn hóa của từng vùng; trong khi đó, Freeman – một người ủng hộ thuyết “định luận sinh vật” với quan điểm cho rằng, chính các yếu tố liên quan đến sinh học mới có vai trò quyết định. Vấn đề đến nay vẫn chưa thật sự ngã ngũ, nhưng những đóng góp của M. Mead là rất lớn đối với trường phái Văn hóa và nhân cách, đối với việc khẳng định vai trò đặc biệt của văn hóa trong sự hình thành và phát triển tâm lý, nhân cách của con người.
Hawking và Susskind, hai “gã khổng lồ” trong ngành vật lý lý thuyết, “chiến đấu” một mất một còn về việc liệu thông tin bị nuốt vào các lỗ đen có bị mất đi mãi mãi một khi các lỗ đen này bốc hơi hay không.
Năm 1983, Hawking nêu lên giả thuyết rằng “thông tin bị sẽ bị mất đi trong sự bốc hơi của lỗ đen”. Với Susskind, một lý thuyết gia định lượng, thì điều này là không đúng đắn bởi nguyên lý trung tâm của ngành định lượng là thông tin sẽ được bảo toàn; nó không bao giờ có thể bị biến thành hư không. Nếu Hawking đúng, các nền móng của ngành định lượng đều bị hủy diệt. Cuộc chiến dai dẳng kéo dài hơn 20 năm, cuối cùng, Hawking thú nhận mình thua cuộc sau các công trình nghiên cứu về Nguyên lý toàn ảnh (holography).
Edward Drinker Cope (1840 – 1897) và Othniel Charles Marsh (1831 – 1899) là 2 nhà cổ sinh vật học nổi tiếng ở thế kỷ 19. Trong cuộc đua săn tìm những bộ xương khủng long hóa thạch, 2 ông cũng mất nhiều thời gian để gây chiến với nhau, đến nỗi người đương thời gọi những bất đồng giữa 2 ông là “Cuộc chiến của những khúc xương”.
Đã có lúc Marsh thậm chí còn hối lộ những người trong đoàn khai quật của Cope để họ qua mặt ông chủ của mình mà chuyển cho Marsh những hóa thạch mà nhóm này tìm được.
Hai ông cũng thường xuyên công khai chỉ trích những thành quả nghiên cứu của đối phương bất cứ khi nào có cơ hội.
Cả hai người, không ai chịu kém ai, đều thực hiện những chuyến săn lùng và khai quật hóa thạch khủng long xuyên suốt Bắc Mỹ. Có lẽ nhờ vào tính cạnh tranh gay gắt của cuộc chiến mà họ đã làm việc không mệt mỏi, và đã phát hiện được hóa thạch của 130 loài khủng long khác nhau.
Sự bất hòa giữa Edison và Tesla rất nổi tiếng vào thời đó, được biết đến như là “Cuộc chiến của các dòng điện”. Thời đó, Edison có hơn 100 trạm phát điện ở Mỹ, cung cấp điện một chiều cho người tiêu dùng. Để khắc phục tình trạng hao hụt điện năng trong quá trình truyền tải, Nikola Tesla, lúc đó là nhân viên của Edison, đã đề xuất ý tưởng sử dụng dòng điện xoay chiều nhưng Edison không tán thành. Để bác bỏ ý tưởng của Tesla, Edison khẳng định rằng dòng điện xoay chiều có khả năng gây chết người.
Năm 1903, một con voi trong rạp xiếc, tên là Topsy, bỗng nổi điên và giết chết 3 người. Nó lập tức bị coi như một hiểm hoạ cần phải loại trừ. Edison nhìn thấy cơ hội để chứng minh sự nguy hiểm của dòng điện xoay chiều, thế là ông đề xuất việc giết con voi này bằng dòng điện xoay chiều. Topsy được cho ăn cà rốt tẩm xyanua, rồi bị giết chết bằng dòng điện 6.000 vôn.
Tuy nhiên sau đó, các ưu điểm vượt trội của dòng điện xoay chiều vẫn chiến thắng; máy phát điện, mạng lưới truyền tải điện (xoay chiều) và động cơ xoay chiều mà chúng ta dùng ngày nay là thành quả nghiên cứu miệt mài của Tesla.
Sự bênh vực của Galileo dành cho Thuyết Nhật tâm của Copernicus đã gây ra những tranh cãi nảy lửa trong đời ông. Vào thời đó, quan điểm Địa tâm đã thống trị từ thời Aristotle. Khi Galileo trình bày thuyết Nhật tâm đã khiến giáo hội Công giáo Roma tức giận và cấm tuyên truyền vì nó chưa được chứng minh, theo kinh nghiệm ở thời điểm ấy và trái ngược với ý nghĩa của Kinh thánh. Vì công trình này, ông bị kết án tù; phán quyết này sau đó được đổi thành quản thúc tại gia; kèm theo đó là việc cấm xuất bản mọi tác phẩm của ông, gồm cả những tác phẩm ông có thể viết trong tương lai.
Tháng 3/2008, Vatican đã phục hồi uy tín cho Galileo thông qua việc dựng một bức tượng của ông bên trong những bức tường thành Vatican.