Nghiên cứu mới đây của một nhóm nhà khoa học từ Đại học Queensland phát hiện rằng cá vùng biển sâu có thể nhìn thấy màu sắc trong bóng tối, làm sáng tỏ về sự tiến hóa thị giác ở động vật có xương sống, bao gồm cả con người. Tiến sĩ Fabio Cortest cho biết động vật có xương sống có hai loại tế bào quang thụ thể - hình que và hình nón - cho phép sinh vật nhìn thấy mọi thứ xung quanh.
Tế bào hình nón được tận dụng trong điều kiện ánh sáng mạnh trong khi tế bào hình que lại hoạt động trong điều kiện ánh sáng yếu. Cả tế bào hình que và hình nón đều có protein nhạy sáng - gọi là opsin - hấp thụ ánh sáng ở bước sóng nhất định, cho phép thị giác nhạy với một loạt các màu sắc. Nhóm nghiên cứu cho rằng 99% các loài động vật có xương sống chỉ có một protein opsin trong các tế bào hình que của chúng, khiến cho các sinh vật này gần như bị mù màu trong điều kiện ánh sáng yếu.
Ảnh minh họa: Cá spinyfin bạc.
Cá vùng biển sâu sống dưới độ sâu 200 - 1500m cũng không nằm ngoài ngoại lệ. Các nhà khoa học cho biết dưới độ sâu như vậy, cá chỉ nhìn được đơn sắc, cụ thể là ánh sáng xanh. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ: Khi kiểm tra bộ gen của 101 loài cá, các nhà khoa học đã tìm thấy 13 loài có nhiều hơn một protein opsin ở tế bào quang thụ thể hình que.
Trong số những trường hợp hiếm ở trên, cá spinyfin bạc có tới 38 opsin. Khi phân tích trình tự gen, các nhà khoa học phát hiện ra cá spinyfin bạc có thể hấp thu một loạt các bước sóng ánh sáng, cho thấy chúng có thể nhìn thấy nhiều màu sắc. Tầm nhìn của loài cá này được cho là đã được tiến hóa để trở thành vũ khí sinh tồn.
Để sống sót với độ sâu như thế, cá cần phải có khả năng nhìn thấy kẻ săn mồi hoặc con mồi tiềm năng vì hầu hết ánh sáng ở dưới độ sâu đó là phát quang sinh học. Khả năng phát quang sinh học phát ra các màu sắc ở mực sâu đáy biển và khả năng nhìn thấy đa sắc sẽ giúp cá xác định xem nó đang nhìn thấy động vật ăn thịt hay con mồi và từ đó đưa ra hành động phù hợp.