Sau nhiều tháng khảo sát, ngày 31/1, nhóm chuyên gia thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố kết quả nghiên cứu về di sản cổ sinh độc đáo - "Nghĩa địa" san hô hóa thạch hình cối xay ở huyện đảo này.
Di sản địa chất độc đáo này ở thôn Đông, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, có niên đại khoảng 5.000 đến 6.000 năm. Khu vực này trải rộng trên diện tích 20.000m2 gần với vách đá trầm tích núi lửa kỳ vĩ Hang Cau.
Di sản cổ sinh độc đáo có niên đại 5.000-6.000 năm hình cối xay vừa được phát hiện ở huyện đảo Lý Sơn. (Ảnh: Minh Hoàng).
Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng việc phát hiện di sản "nghĩa địa" san hô hóa thạch hình cối xay ở huyện đảo Lý Sơn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt khoa học.
"Cơ quan chức năng cần thực hiện ngay các biện pháp bảo vệ phục vụ nghiên cứu; đồng thời tìm giải pháp khả thi để khai thác, phát huy giá trị di tích phục vụ phát triển du lịch tại địa phương", ông Căng nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu huyện Lý Sơn khẩn trương khoanh vùng bảo vệ, ngăn chặn các hoạt động con người có thể xâm hại đến di sản, trong đó tạm dừng thi công mọi công trình trong khu vực di sản địa chất này.
Thời gian tới, Quảng Ngãi mời các chuyên gia Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tiếp tục nghiên cứu sâu khu vực phát hiện di sản, vừa củng cố hồ sơ trình UNESCO vừa tư vấn giúp tỉnh có biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị.
Những cụm đá san hô hóa thạch hình cối xay bên bờ biển Lý Sơn. (Ảnh: Minh Hoàng).
Trước đó, tháng 8/2017, các chuyên gia Viện địa chất - Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam công bố kết quả khảo sát, nghiên cứu về 10 miệng núi lửa còn nguyên vẹn ở huyện đảo Lý Sơn. Trong đó, sáu miệng núi lửa ở đảo Lớn, một miệng ở đảo Bé, ba miệng núi lửa ngầm dưới mặt biển.
Miệng núi lửa cổ Hang Cau và chùa Hang phun nổ sớm khoảng 9-11 triệu năm. Núi lửa cổ này phun lên lượng đá basalt lớn, tạo nên phần nền cả đảo Lý Sơn hiện nay. Còn miệng núi lửa có hồ nước trên đỉnh Thới Lới phun nổ cách nay 1 triệu năm.