Kết quả phân tích ADN trong nước có thể giúp nhận dạng mọi sinh vật sống ở hồ nước Scotland, bao gồm quái vật Loch Ness nếu nó tồn tại.
Sinh vật ngóc đầu trên mặt hồ được cho là quái vật hồ Loch Ness. (Ảnh: Fox News).
Nhà sinh vật học Neil Gemmell ở Đại học Otago, New Zealand và đồng nghiệp đi dọc hồ Loch Ness ở Scotland trên tàu nghiên cứu "Deepscan", đặt theo tên dự án quét hồ bằng sóng âm năm 1987. Trong chuyến đi, họ lấy mẫu nước ở ba độ sâu khác nhau trong hồ để thu thập ADN.
Mẫu ADN lưu lại đến từ da, lông, vảy của mọi sinh vật, hoặc lẫn vào nước qua nước tiểu hoặc phân của chúng. Nếu tồn tại quái vật hồ Loch Ness, nhóm nghiên cứu có thể lọc ra ADN của nó giữa những loài khác như cá chó và cá hồi. Các mẫu ADN sẽ được gửi tới phòng thí nghiệm ở Australia, Đan Mạch, Pháp và New Zealand để sắp trình tự và phân tích.
Các nhà nghiên cứu lấy mẫu ADN ở hồ Loch Ness. (Ảnh: AFP).
Nhóm của giáo sư Gemmell nhận dạng được khoảng 15 loài cá ở hồ Loch Ness từ mẫu ADN cùng với 3.000 loài vi khuẩn. Họ sử dụng dữ liệu ADN để kiểm tra những giả thuyết về quái vật hồ Loch Ness. Giả thuyết phổ biến nhất cho rằng đó là một loài bò sát biển cổ dài như thằn lằn đầu rắn còn sót lại sau khi khủng long tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm. Giả thuyết khác lại nhận định quái vật hồ Loch Ness thực chất là một con cá tầm hoặc cá trê khổng lồ.
"Chúng tôi đã kiểm tra mỗi giả thuyết. Chúng tôi có thể kết luận ba giả thuyết trong số đó không đúng và một giả thuyết có khả năng là thật", giáo sư Gemmell chia sẻ. Ông dự định công bố phát hiện ở Scotland vào tháng 7/2019. Theo giáo sư Gemmell, kết quả sẽ gây bất ngờ.
Quái vật hồ Loch Ness (Nessie) là một động vật hoặc nhóm sinh vật chưa thể xác định được cho là sống ở hồ Ness, một hồ nước ngọt có điểm sâu nhất 230 m, gần thành phố Inverness, Scotland. Nessie thường được miêu tả có thân hình to lớn và chiếc cổ dài. Phần lớn chuyên gia và các nhà khoa học cho rằng những bằng chứng về Nessie chưa thực sự thuyết phục, có thể là trò lừa đảo hoặc nhầm lẫn khi quan sát sinh vật, hiện tượng tự nhiên.