Các nhà khoa học phát hiện ra một di tích khảo cổ lớn cho thấy loài khủng long cổ dài có ngoại hình giống quái vật hồ Loch Ness từng sinh sống ở Scotland cách đây 170 triệu năm.
Nhóm các nhà khảo cổ tại Đại học Edinburgh, công bố phát hiện về di tích khủng long trên Tạp chí Địa chất học Scotland hôm 1/12. Họ tìm thấy hàng trăm dấu chân khủng long 170 triệu năm tuổi trên bờ biển đảo Skye, khiến nơi đây trở thành di tích về khủng long lớn nhất ở Scotland, theo Live Science.
Những dấu chân khủng long là một phát hiện tình cờ. Một nhà cổ sinh vật học nhận thấy bộ xương hóa thạch của cá sấu nhỏ ở đảo Skye và huy động cả nhóm đến để tiến hành khảo sát kỹ hơn. Không chỉ tìm ra thêm hóa thạch xương cá hay răng cá mập, nhóm nghiên cứu còn phát hiện những dấu chân khủng long trên một triền đá dọc bờ biển, nơi từng là khu vực đầm lầy trong suốt kỷ Jura.
Vùng đầm lầy ven biển Scotland, nơi những con khủng long cổ dài đã sống 170 triệu năm về trước. (Ảnh: Jon Hoad).
"Các dấu chân nằm ở vùng đầm lầy ven biển, môi trường lý tưởng cho khủng long thời đó", Steve Brusatte, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết. "Có thể hình dung những con khủng long để lại dấu chân khi đang di chuyển dưới nước, tại một vùng nước tương đối nông".
Những dấu chân bị che phủ bởi cát, rong biển và cả thủy triều. Khi phát hiện ra chúng, thủy triều đang lên, vì thế nhóm quyết định đánh dấu địa điểm và trở lại nghiên cứu kỹ hơn sau khi thủy triều rút.
"Chúng tôi thấy dấu chân đầu tiên, rồi một dấu chân nữa, chúng tôi bắt đầu nhận ra có một mô hình lặp lại và liên quan đến nhau", Brusatte trao đổi với Live Science. "Nhưng thủy triều lúc đó đang lên, và chúng tôi buộc phải trở lại vào ngày hôm sau để đo đạc kỹ hơn".
Qua phân tích, nhóm của Brusatte khẳng định rằng các dấu chân thuộc về loài khủng long cổ dài (Herbivorous Sauropod), sống ở trung kỳ kỷ Jura. Dấu chân lớn nhất mà nhóm phát hiện có đường kính lên đến 7 cm và theo họ, chỉ khủng long cổ dài mới có thể để lại dấu chân lớn như vậy.
Dựa trên kích thước dấu chân, nhóm nghiên cứu xác định con khủng long dài ít nhất 15 m và nặng trên 11 tấn. Ngoài ra, một dấu chân khác cho thấy khủng long cổ dài có chân trước với móng vuốt khá lớn, nhiều khả năng để đào hang làm ổ.
Một số hóa thạch khác của khủng long cổ dài cũng được tìm thấy ở Scotland trước đây như hóa thạch xương cụt, xương các chi và một vài chiếc răng. Tuy nhiên, những hóa thạch này có thể từ nơi khác trôi dạt đến trong quá trình vận động tự nhiên. Những dấu chân là bằng chứng mạnh mẽ nhất chứng minh loài khủng long này từng sinh sống ở Scotland thời cổ đại.
Steve Brusatte (phải) và Tom Challands (trái) tại di tích dấu chân khủng long trên đảo Skye. (Ảnh: Mark Wilkinson).
Brusatte và đồng nghiệp tìm thấy ít nhất ba lớp dấu chân trên triền đá, có nghĩa nhiều thế hệ khủng long cổ dài khổng lồ sống ở vùng đầm lầy nước mặn này trong một thời gian dài. Vị trí dấu chân chỉ ra chúng không chỉ sống ở nơi khô ráo mà có thể đào hang ở gần mặt nước hoặc thậm chí dưới tầng nước nông, theo Brusatte.
Phát hiện này có tầm quan trọng lớn bởi hóa thạch từ trung kỳ kỷ Jura rất hiếm. "Đây quả là một khám phá tuyệt vời, nhưng điều tuyệt vời nhất nằm ở những thứ chưa được tìm thấy", Tom Challands, một thành viên của nhóm nghiên cứu, khẳng định. "Tôi chắc chắn trên đảo Skye vẫn còn rất nhiều di tích và mẫu vật chờ khai quật trong những năm tới".
Nhóm của Brusatte hy vọng có thể sử dụng phương pháp khảo sát LIDAR để lập bản đồ dấu chân khủng long cổ dài từ trên không. Sau khi có bản đồ dấu chân đầy đủ, nhóm sẽ tính toán tốc độ di chuyển của loài sinh vật cổ đại này. Hiện tại, Brusatte mới chỉ suy đoán khủng long cổ dài di chuyển tương đối chậm bởi những dấu chân nằm khá gần nhau.