Các nhà khoa học Nhật Bản công bố phát hiện một loài nho thân thảo có thể sử dụng lá để bao bọc chùm quả trong điều kiện khắc nghiệt.
Trong bài đăng trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences hôm 7/10, các nhà khoa học mô tả khám phá mới là "bất thường" bởi ở hầu hết các loài nho, lá của chúng chỉ có nhiệm vụ chính là quang hợp và không tham gia vào việc sinh sản.
Tác giả chính của nghiên cứu Nobuyuki Nagaoka (90 tuổi), một hướng dẫn viên trải nghiệm thiên nhiên tại Công viên Bảo tàng Tự nhiên Yamagata, lần đầu để ý đến hành vi sinh sản bất thường ở loài nho Schizopepon bryoniifolius vào năm 2008 khi nhìn thấy một số chiếc lá cuộn vào nhau và bên trong có một chùm quả đang phát triển.
Ông tiếp tục theo dõi và nhận thấy các cấu trúc tương tự lại hình thành vào những mùa thu tiếp theo. Nagaoka sau đó đã liên hệ với Đại học Kyoto và Viện Nghiên cứu Rừng và Lâm sản Nhật Bản để tiến hành nghiên cứu chi tiết.
Lá của cây nho Schizopepon bryoniifolius cuộn lại thành kén để bảo vệ quả non. (Ảnh: Shoko Sakai).
Theo mô tả, Schizopepon bryoniifolius là một loài cây hàng năm mảnh mai sống ở các bìa rừng rụng lá ở Đông Á. Nó có hoa nhỏ màu trắng, thụ phấn từ tháng 8 đến tháng 9 và sau đó phát triển thành quả. Mỗi quả chỉ có một hạt.
Nhóm nghiên cứu đã xem xét các mẫu vật ở độ cao khác nhau dưới chân núi Gassan ở phía nam dãy Dewa, thuộc công viên Yamagata. Họ nhận thấy những chiếc lá "chuyên biệt" tham gia vào hành vi sinh sản không phát triển trong mùa hè. Chúng chỉ đâm chồi vào cuối mùa sinh trưởng và sau đó cuộn vào nhau để tạo thành chiếc kén bao bọc quả non.
Lớp lá bọc này tạo ra một môi trường vi khí hậu thu nhỏ, nơi ấm hơn tới 4,5°C so với nhiệt độ bên ngoài. Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy ở những vùng lạnh hơn, kén lá có xu hướng dày hơn.
"Kết quả nghiên cứu cho thấy lớp lá bao bọc cho phép cây bảo vệ hạt giống trong thời tiết lạnh giá mà nó gặp phải vào cuối vòng đời. Việc loại bỏ những chiếc lá này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển và tồn tại của quả nho", các tác giả cho biết.
Một nghiên cứu trước đây từng báo cáo về chức năng hỗ trợ sinh sản của lá cây hàm ếch (Saururus chinensis). Loài thực vật này có thể đổi màu lá tạm thời sang trắng để thu hút các loài thụ phấn. Tuy nhiên, điều đó cũng làm giảm khả năng quang hợp, chức năng chính của lá.
Nghiên cứu mới của Nagaoka cùng các cộng sự là lần đầu tiên hành vi hỗ trợ sinh sản của lá cây được báo cáo ở một loài nho.