Trút giận khi đang "nổi điên" nghe có vẻ hợp lý, song nghiên cứu mới chỉ ra rằng trút giận không làm ta dịu đi mà đôi khi khiến ta giận dữ hơn.
Nhóm nghiên cứu tại Trường đại học bang Ohio, Mỹ đã phân tích 154 nghiên cứu về sự tức giận, qua đó phát hiện rất ít bằng chứng cho thấy trút giận có thể giúp hả giận. Trong một số trường hợp, nó còn có thể làm tăng sự tức giận.
Yoga có thể giúp giảm cơn giận - (Ảnh: AFP).
"Tôi nghĩ điều này thật sự quan trọng để xóa bỏ quan niệm sai lầm rằng nếu bạn đang giận thì bạn nên trút giận. Trút giận nghe có vẻ là ý tưởng hay, song không có bằng chứng khoa học nào ủng hộ giả thiết này", trang ScienceAlert dẫn lời ông Brad Bushman - một trong các tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Điều này cũng không có nghĩa là nên phớt lờ cơn tức giận. Sự suy ngẫm có thể giúp chúng ta hiểu lý do vì sao chúng ta "nổi điên", từ đó giải quyết các vấn đề tiềm ẩn.
Nó cũng có thể hỗ trợ việc xác nhận cảm xúc - bước quan trọng đầu tiên để điều chỉnh cảm xúc một cách lành mạnh. Trong khi đó trút giận thường vượt quá sự suy ngẫm (reflection - mang hơi hướng suy nghĩ tích cực) và trở thành trầm tư (rumination - có chiều hướng suy nghĩ tiêu cực).
Có tổng cộng 10.189 người tham gia 154 nghiên cứu về sự tức giận nói trên. Họ đại diện cho nhiều lứa tuổi, giới tính, văn hóa và sắc tộc khác nhau.
Nhóm nghiên cứu phát hiện chìa khóa chính để kiềm chế cơn giận là giảm kích thích sinh lý từ chính cơn giận hoặc từ hoạt động thể chất có lợi khác có khả năng làm giảm sự kích động.
Ông Bushman cho biết chạy bộ khi đang tức giận không phải là một chiến lược hiệu quả để giảm sự kích động. Những hoạt động giảm kích thích hiệu quả bao gồm yoga, thiền, giãn cơ, hít thở sâu, định thần hoặc đếm tới 10, các môn thể thao với bóng và các hoạt động vui chơi.
Nghiên cứu được lấy cảm hứng từ "căn phòng thịnh nộ" - nơi mọi người trả tiền chỉ để đập phá đồ đạc với hy vọng xả giận. Nhóm nghiên cứu khuyên thay vì trút giận, con người nên tìm cách giảm bớt sự giận dữ bằng các chiến lược hiệu quả nói trên.