Nghiên cứu này tiếp tục củng cố quan điểm của nhiều nhà khoa học về khả năng học tập của não bộ ngay cả khi cơ thể đang nghỉ ngơi.
Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học đến từ trường sư phạm Ecole Normale Supérieure, Pháp đăng tải trên tạp chí Nature Communications mới đây khẳng định, một loại trí nhớ thính giác có thể hình thành khi con người chìm vào giấc ngủ. Mặc dù, loại trí nhớ này chỉ có thể tạo ra trong một số giai đoạn đặc biệt của giấc ngủ.
Trong một thử nghiệm, nhóm tình nguyện viên 20 người đang ngủ phải tiếp xúc với dạng tiếng ồn trắng (loại âm thanh tần số thấp, phát đều và liên tục) kết hợp với các mẫu âm thanh phát đi phát lại.
Con người có thể học tập mọi thứ trong những giai đoạn đầu tiên của giấc ngủ.
Sau khi phân tích điện tâm đồ (EEG) và phản ứng hành vi, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy, nhóm tình nguyện đã học và ghi nhớ được các mẫu âm thanh trong giai đoạn REM. Đây là giai đoạn giấc ngủ đặc trưng với các chuyển động nhanh của mắt, dễ gặp giấc mơ, chuyển động cơ thể và nhịp thở nhanh hơn. Một số quá trình học tập cũng diễn ra trong pha ngủ N2, giai đoạn đầu tiên của giấc ngủ, khi mọi hoạt động của cơ thể, bao gồm nhận thức về thế giới bắt đầu giảm dần.
Theo Quartz, điều khá thú vị là con người có thể học tập mọi thứ trong những giai đoạn đầu tiên của giấc ngủ. Tuy nhiên vào giai đoạn N3 sau đó, khi giấc ngủ đã sâu và sóng não chậm dần, mọi thứ dường như đảo lộn. Lúc này thay vì có thể học mọi thứ, bộ não có vẻ muốn "tống khứ" mọi thứ và tự trấn áp khả năng ghi nhớ của chính mình.
Thomas Andrillon, một nhà nghiên cứu trong dự án chia sẻ: "Chúng tôi nghĩ rằng, hiệu quả lấn át não bộ này cho thấy một chức năng cốt lõi của giấc ngủ, cho phép não bộ có thể quên đi nhiều thứ. Chúng ta không ngừng tạo ra những ký ức mới khi tỉnh táo, và sẽ thật nguy hiểm khi dồn nén và duy trì rất nhiều ký ức trong não, điều đó thậm chí có thể làm tắc nghẽn não bộ".
Andrillon cũng chỉ ra, ngay cả trong những giai đoạn giấc ngủ khi não bộ hình thành ký ức, đó cũng không hẳn là khoảng thời gian lý tưởng để học tập. Kích thích não đang ngủ có thể gây ra hậu quả với chức năng ngủ. Bạn có thể học từ mới, nhưng điều đó cũng đánh đổi bởi một cái giá nhất định.
Kích thích não đang ngủ có thể gây ra hậu quả với chức năng ngủ.
Đó cũng là điều khiến Andrillon hoài nghi về hiệu quả của ý tưởng học ngôn ngữ trong lúc ngủ. Tuy nhiên, ông cho rằng một số hình thức học tập có thể đem lại hiệu quả trong lúc ngủ, ví dụ dùng giấc ngủ REM để quy định thông điệp nên bỏ thuốc trong não bộ cho người hút thuốc.
Nghiên cứu chắc chắn vẫn còn nhiều thứ phải tìm hiểu, trong đó có việc phát triển các công nghệ thông minh cho phép theo dõi giấc ngủ, nhận diện giai đoạn REM và cung cấp những bài giảng ngắn để thử nghiệm khả năng học tập của mỗi người.
Giả thuyết não bộ có thể học tập, hình thành ký ức trong lúc ngủ đã trở thành chủ đề tranh luận lớn giữa các nhà khoa học trong nhiều năm gần đây. Với nghiên cứu mới nhất này, lập luận từ phía những người ủng hộ giả thuyết sẽ càng thêm chắc chắn.