Trong hành trình dài 8,48 triệu km vừa qua của tàu con thoi Discovery, khoảng 300 con và trứng ruồi giấm được “tháp tùng”
Ruồi giấm (Ảnh: innate) |
Sở dĩ ruồi giấm được chọn nghiên cứu bởi loài côn trùng này thuộc nhóm sinh sản nhanh, vòng đời ngắn (60 ngày) và khả năng thích nghi môi trường yếu. Theo trưởng nhóm nghiên cứu, nhà di truyền học Deborah Kimbrell ở Đại học California, mặc dù hệ miễn dịch của ruồi giấm đơn giản hơn của người nhưng cấu trúc gien của cả hai lại rất giống nhau nên ruồi giấm được xem là mô hình lý tưởng để quan sát và hiểu rõ những phản ứng miễn dịch của con người khi ở trên vũ trụ.
Vấn đề quan trọng là liệu hệ miễn dịch có bị tổn thương sau những chuyến du hành kéo dài hay không. Để tìm ra câu trả lời, các nhà khoa học lây nhiễm nấm và vi khuẩn cho hai nhóm ruồi giấm (một được nuôi trên tàu Discovery và nhóm đối chứng ở Trung tâm Không gian Kennedy nhưng đều có cùng chế độ ăn và môi trường sống như trên tàu vũ trụ).
Mục đích là để so sánh phản ứng miễn dịch của cả hai nhóm, bao gồm các thử nghiệm như đếm tế bào máu và khả năng đông máu. Kết quả bước đầu cho thấy hệ miễn dịch không phải là vấn đề lớn trong thử nghiệm vừa qua. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng nghiên cứu này do được tiến hành trong 2 tuần nên kết quả sẽ khác biệt rất lớn so với những chuyến du hành dài từ 2 năm trở lên.
HOÀNG ĐIỂU