Ngộ độc thực phẩm "dây chuyền"

Nước mắm có u-rê, thức ăn nhiễm hóc-môn tăng trưởng, trái cây chứa thuốc bảo vệ thực vật... Độc chất nhiễm từ nguồn và "dây chuyền" đến người.

Vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được bảo đảm và chưa được bảo đảm từ nguồn! Ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội nghị tổng kết "5 năm chương trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm 2005 - 2010" do TP.HCM tổ chức vào ngày 16/4.

Tại Hội nghị nói trên, nhiều chuyên gia tỏ ra bức xúc, hiện chưa có cơ chế bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu đầu đến khâu cuối mà trong đó, khâu cuối được xác định là người tiêu dùng, tức người dùng các loại thực phẩm tươi hoặc thực phẩm đã qua chế biến.

Nhiễm độc "dây chuyền"

"Trồng cây cũng là con người, bắt con cá cũng là con người, chế biến cũng là con người, đến tiêu thụ cũng là con người. Và sự cố xảy ra cũng là sự cố con người", Ông Nguyễn Như Giao nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, ThS Phạm Kim Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm (Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM) tiết lộ những chuyện "động trời" xung quanh tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bà Phương cho biết, hầu như trong tất cả thực phẩm do khách hàng mang đến Trung tâm để kiểm nghiệm đều có "vấn đề" về an toàn thực phẩm. Trung tâm đã phát hiện, nhiều mẫu thực phẩm tươi hoặc thực phẩm chế biến đều có chứa những chất độc hại cho cơ thể con người như u-rê, hóc môn tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật.

Bà Phương đơn cử, nhiều cơ sở sản xuất nước mắm đưa mẫu nước mắm đưa đến Trung tâm để kiểm nghiệm độ đạm. Trung tâm phát hiện, đúng là nước mắm có độ đạm rất cao nhưng hóa ra là... độ đạm do u-rê trong thành phần nước mắm quá cao, chứ không phải chất đạm có từ cá.

Hàm lượng u-rê trong nước mắm có khi chiếm đến mấy chục phần trăm trong mẫu kiểm nghiệm.

Sự việc rắc rối hơn khi những nhà sản xuất nước mắm được hỏi, tại sao lại pha thêm urê trong nước mắm. Có phải là để tăng độ đạm? Nhà sản xuất trả lời, họ chỉ mua nước mắm đã được chế biến sẵn từ Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết và đưa về đến TP chế biến lại, nhưng tuyệt nhiên không pha u-rê vào nước mắm!

Vậy thì u-rê ở đâu ra? Điều tra tiếp bằng cách lần đến tận nguồn cá chế biến làm nước mắm, các chuyên gia phát hiện, cá mua từ ngoài khơi mang về trên những tàu đánh cá lớn thì không nhiễm u-rê do họ có hầm lạnh. Thế nhưng cá thu mua từ những ngư dân đánh cá nhỏ, thì cá lại bị nhiễm u-rê. Lý do là ngư dân đánh bắt cá từ tàu đánh cá nhỏ và tàu nhỏ thì không có hầm trữ lạnh. Do đó, ngư dân buộc phải ướp cá bằng u-rê để cá không bị thiu, thối.

Chính nguồn cá này, khi mang về đổ vào các trượt làm nước mắm thì không rửa lại. Hậu quả là, toàn bộ u-rê ướp cá sẽ đi vào nước mắm.

Hơn thế nữa, bà Phượng còn tiết lộ thêm, hiện nay, thuốc hóc môn kích thích tăng trưởng được phát hiện có trong thịt gà, thịt heo.

Bình quân nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật của TP.HCM hiện nay khoảng 650 - 700 tấn/ngày, tương đương 460 con trâu bò, 8.000 con heo, 35.000 gia cầm và khoảng 1.600 tấn raucác loại/ ngày.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi thành phố chỉ có khả năng tự cung cấp 15 - 20% nhu cầu thực phẩm tươi sống nguồn gốc động vật, ngành trồng trọt chỉ cung cấp được 20 - 30% nhu cầu rau xanh.
Bà Phương đặt vấn đề, cần kiểm tra lại từ nguồn. Đó chính là thức ăn gia súc. Trong cám, trong thức ăn cho gia cầm, gia súc có chứa hóc môn tăng trưởng thì dứt khóat con gà, con heo và cuối cùng là người ăn là bị nhiễm độc theo kiểu "dây chuyền".

Bà Phương đưa ra ví dụ về các doanh nghiệp Mỹ nhập tôm từ Việt Nam. Hàng năm, họ cho đoàn qua Việt Nam đánh giá, kiểm soát ngay từ chỗ nuôi cho đến các cửa hàng cung cấp thuốc và kể cả các đơn vị kiểm nghiệm như Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm.

Theo Bà Phương, ngay các hãng sản xuất thức ăn gia súc cũng chưa được kiểm soát thật kỹ, nên nguồn bị trôi nổi.

"Sở Y tế phải là người chủ trì, tiếp tục điều tra đánh giá năng lực các đơn vị thử nghiệm và kế hoạch phối hợp với nhau. Việt Nam cũng cần có như vậy, thì mới kiểm soát được chất lượng của sản phẩm," bà Phương đề xuất.

Sự cố thực phẩm, sự cố con người

Ông Nguyễn Như Giao, Giám đốc Công ty Chế biến Suất ăn sẵn Dussmann cho rằng, khi nói về vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng ta bàn rất nhiều về kỹ thuật này kỹ thuật kia, về các pháp lệnh này pháp lệnh kia, nhưng cuối cùng đây là sản phẩm hoàn toàn do con người làm ra. Sản phẩm bắt đầu từ con người và kết thúc cũng con người.

"Trồng cây cũng là con người, bắt con cá cũng là con người, chế biến cũng là con người, đến tiêu thụ cũng là con người và sự cố xảy ra cũng là sự cố con người. Nên vệ sinh an toàn thực phẩm là một chuỗi kiểm tra mà khâu cuối cùng vẫn là người sử dụng," Ông Nguyễn Như Giao phát biểu.

Ông cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng một thế hệ mới người tiêu dùng thức ăn. Người ăn mà từ chối thì không có cái gì thoát được mà kiểm tra không thể nào loại trừ được hết.

Trong năm 2005, có 27 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.536 người mắc, trong đó có 11 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trên 30 người. (Trong ảnh: Một xe đẩy thức ăn hợp quy chuẩn)

Bởi bản thân ông Giao cũng không tự tin đến quy trình sản xuất thực phẩm. Ông giải thích một quy trình sản xuất và các công nhân luôn trong tình trạng nguy hiểm, luôn có sự cố xảy ra không lường trước. Đây không phải là một cái máy để ta cho đủ các yếu tố rồi thì nó cứ cho ra một cái bánh như vậy, và một năm sản xuất bao nhiêu cái bánh.

"Nó là quy trình từ thực phẩm đầu vào, kiểm tra, sơ chế, chế biến, bưng lên bàn ăn, dọn dẹp, và khâu cuối cùng là giải quyết xử lý rác thải. Cho dù có giỏi đến mấy, thì vẫn có một phần trăm rủi ro nào đó treo lơ lửng. Chúng tôi đã đặt ra một khoảng bồi thường 1 triệu USD cho khách hàng trong những trường hợp bất khả kháng," Ông Giao cho biết.

PGS.TS. Lê Hoàng Ninh, Viện trưởng Viện Vệ sinh - Y tế Công cộng thuộc Bộ Y tế, cũng đồng ý ý kiến "từ thức ăn không phải chỉ đến bàn ăn mà cuối cùng là đến người ăn" của đại diện công ty Dussmann. Bên cạnh đó, PGS.TS Ninh đã phát hiện kế hoạch hành động đảm bảo vệ sinh năm 2006 - 2010 không có hệ thống giám sát các ca bệnh trong khi ca bệnh liên quan đến tính mạng con người lại là hậu quả cuối cùng.

"Chúng ta chỉ ghi nhận được những chùm bệnh hay nhóm bệnh, chứ còn một một bà bán hàng rong trước cổng trường thì làm sao quản lý hay kiểm soát được khi họ đi khám bệnh. Trong khi đó, tất cả hầu hết các dịch bệnh trên thế giới, được phát hiện từ các trung tâm y tế hoặc các bác sĩ hành nghề tư," PGS.TS Ninh nói

Năm 2006, năm phòng chống ô nhiễm thực phẩm

TP.HCM đã phát động tháng vệ sinh an toàn thực phẩm với chủ đề " Phòng chống ô nhiễm thực phẩm", từ ngày 15/4 đến ngày 15/5.

"Giả dịnh cứ có thức ăn đường phố, có những cơ sở sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng xã hội đồng loạt tẩy chay, chắc chắn sẽ có tác động tích cực hơn rất nhiều," Phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài phát biểu.
Ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, hiện nay một mặt các cơ quan truyền thông đại chúng đề cập đến những việc ăn uống không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, những cơ sở không bảo đảm tiêu chuẩn của quy trình sản xuất Mặt khác, người tiêu thụ vẫn sử dụng các sản phẩm này một cách bình thường.

Do đó, mục tiêu chính đầu tiên của kế hoạch hành động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm 2006 - 2010 là nâng cao nhận thức, thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm và ý thức tự trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

"Cho nên giả dịnh cứ có thức ăn đường phố, có những cơ sở sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng xã hội đồng loạt tẩy chay, chắc chắn sẽ có tác động tích cực hơn rất nhiều," Phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài phát biểu.

Kinh nghiệm từ cúm gia cầm, hầu như người dân sẽ không ăn thịt gà khi có những khuyến cáo rộng rãi. Từ đó việc công bố sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, người tiêu dùng không mua nữa, thì đây là động lực để doanh nghiệp tự cải thiện và người dân ý thức hơn.

Tuy nhiên, PGS.TS Ninh đánh giá, ngay mục tiêu đầu tiên của kế hoạch, 100% người tiêu dùng hiểu biết và thực hành đúng về VSATTP vào năm 2010 là một mục tiêu quá lớn. Việc triển khai cụ thể để đạt được mục tiêu này là không đơn giản.

Hương Cát
Theo VietNamNet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video