Tàn tích của một ngôi làng “ma” đã lộ thiên sau khi hạn hán làm khô cạn một con đập ở biên giới Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha, thu hút đám đông hiếu kì đến xem.
Làng cổ Aceredo từng bị nước sông Limia nhấn chìm năm 1992 để làm thủy điện. (Ảnh: Reuters)
Năm 1992, ngôi làng Aceredo ở phía Tây Bắc của Tây Ban Nha bị nhấn chìm để làm hồ chứa. Mới đây, khi lượng nước ở hồ chứa Alto Lindoso chỉ còn 15% vì khô cạn, ngôi làng này đã trồi khỏi mặt nước tạo nên một khung cảnh xám xịt ghê rợn.
"Tôi cảm thấy như đang xem một bộ phim buồn vậy. Cảnh tượng này có thể tái diễn theo thời gian vì hạn hán và biến đổi khí hậu”, ông Maximino Perez Romero, 65 tuổi, chia sẻ khi đến tận nơi xem ngôi làng “ma”.
Sau khi nước cạn, ngôi làng hiện lên đầy vẻ chết chóc. (Ảnh: Reuters)
Đi bộ trên nền đất bùn nứt nẻ, người dân tìm thấy những mái nhà bị sập một phần, gạch ngói và mảnh gỗ, thậm chí cả một vòi uống nước vẫn còn nhỏ giọt. Những chai bia rỗng chất chồng lên nhau và một chiếc ô tô cũ bị gỉ sét bên bức tường đá.
Bà Maria del Carmen Yanez, Thị trưởng của vùng Lobios, cho biết hạn hán trong khu vực này đã xảy ra vài tháng gần đây và việc công ty EDP của nước láng giềng Bồ Đào Nha siết chặt cấp điện đã làm trầm trọng thêm tình hình.
Hồ Alto Lindoso chỉ còn 15% nước. (Ảnh: Reuters).
Ngày 1/2, chính phủ Bồ Đào Nha đã yêu cầu sáu đập, trong đó có Alto Lindoso, ngừng sử dụng nước để sản xuất điện và tưới tiêu, do hạn hán ngày càng nghiêm trọng.
Tính ổn định của các hồ chứa tại khu vực biên giới này cũng là vấn đề gây lo ngại. Dữ liệu của Bộ Môi trường Tây Ban Nha cho thấy các hồ chứa của nước này đang ở mức 44% dung tích, thấp hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 61% trong thập kỷ qua, song vẫn cao hơn mức được ghi nhận trong đợt hạn hán năm 2018.
Một nguồn tin cho biết các chỉ số hạn hán cho thấy tình hình sẽ tiếp tục xấu đi trong những tuần tới.