Ngọn núi Triều Tiên thử bom nhiệt hạch có nguy cơ nổ tung

Các chuyên gia cảnh báo nếu ngọn núi hứng chịu 5 vụ thử bom gần đây nhất của Triều Tiên nổ tung, bụi phóng xạ sẽ phủ khắp khu vực.

Các nhà khoa học Trung Quốc nhận định ngọn núi nơi Triều Tiên tiến hành 5 vụ thử bom hạt nhân gần đây nhất, bao gồm quả bom mạnh nhất phát nổ hôm 3/9, có nguy cơ sụp đổ, theo South China Morning Post.

Thông qua đo và phân tích sóng xung kích từ vụ nổ do các trạm quan trắc động đất ở Trung Quốc và nhiều nước láng giềng thu lại, nhóm nghiên cứu ở Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc tại Hợp Phì, An Huy, tin chắc tất cả các vụ thử bom của Triều Tiên đều được tiến hành dưới cùng một ngọn núi thuộc khu thử nghiệm Punggye-ri.

Các nhà nghiên cứu ở phòng thí nghiệm vật lý Trái Đất và địa chấn đăng báo cáo trên website của trường hôm qua. Nhà địa vật lý Wen Lianxing, trưởng nhóm, cho biết dựa theo dữ liệu do hơn 100 trạm quan trắc động đất ở Trung Quốc thu thập, sai số lớn nhất là 100m.


Nhà lãnh đạo Kim Jong-un kiểm tra thiết bị nhiệt hạch. (Ảnh: KCNA).

Theo Wang Naiyan, cựu chủ tịch Hiệp hội Hạt nhân Trung Quốc kiêm nhà nghiên cứu cấp cao trong chương trình vũ khí hạt nhân của nước này, nếu phát hiện của nhóm Wen chính xác, nguy cơ về thảm họa môi trường rất lớn.

Chỉ cần một vụ thử nghiệm nữa cũng đủ để cả ngọn núi sụp xuống thành hang động, tạo ra khe hở cho phép bụi phóng xạ thoát ra ngoài và trôi nổi khắp khu vực, bao gồm Trung Quốc. "Chúng tôi dùng từ "tốc mái". Nếu ngọn núi sụp đổ và lỗ hổng xuất hiện, nhiều thứ tồi tệ sẽ tràn ra", Wang nói.

Vụ nổ hôm 3/9 kéo theo một trận động đất dài 8 phút. Các nhà chức trách ở cơ quan địa chấn Trung Quốc cho rằng đó là hiện tượng sụt lún kích hoạt bởi vụ nổ.

Không phải mọi ngọn núi đều thích hợp để thử nghiệm bom hạt nhân. Theo Wang, đỉnh núi phải cao, nhưng sườn núi phải tương đối thoải. Xét theo diện tích đất đai hạn chế của Triều Tiên và độ nhạy cảm của chương trình hạt nhân, có thể không có nhiều ngọn núi phù hợp để lựa chọn.

Thời gian ngọn núi còn trụ vững tùy thuộc vào nơi Triều Tiên đặt bom. "Nếu những quả bom được đặt ở đáy của đường hầm khoang dốc dứng, vụ nổ sẽ gây ra ít thiệt hại hơn", Wang cho biết.

Tuy nhiên, những đường hầm dốc đứng vừa khó đào vừa có chi phí cao, đồng thời khó đặt dây cáp và cảm biến để thu thập dữ liệu từ vụ nổ. Cách dễ hơn nhiều là đào một đường hầm nằm ngang vào trung tâm ngọn núi, nhưng nguy cơ đỉnh núi bị thổi bay cũng tăng lên.

Kích thước ngày càng tăng của bom hạt nhân Triều Tiên cũng góp phần đẩy mạnh nguy cơ. "Một quả bom 100 tấn là loại bom tương đối lớn. Chính phủ Triều Tiên nên ngừng thử bom bởi các vụ thử nghiệm không chỉ đe dọa người dân nước này mà cả những nước khác, đặc biệt là Trung Quốc", Wang nhấn mạnh.

Wang không loại trừ khả năng những tính toán của Wen và đồng nghiệp có thể sai. Sóng động đất di chuyển ở những tốc độ khác nhau qua các loại đá khác nhau, do đó việc dự đoán chính xác dựa trên dữ liệu địa chấn không hề dễ dàng.

Nhóm của Wen ước tính năng lượng giải phóng từ vụ thử nghiệm mới nhất vào khoảng 108,3 tấn thuốc nổ TNT, hay gấp 7,8 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống thành phố Nhật Bản Hiroshima năm 1945. Một nhóm nhà khoa học khác ở Na Uy tính toán năng lượng giải phóng từ vụ nổ ở Punggye-ri lớn gấp 10 lần quả bom ở Hiroshima.

Cập nhật: 05/09/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video