Một nhà thám hiểm người Anh đã tìm thấy một phần của Vạn Lý Trường Thành chưa từng được biết tới trước đó trong một sa mạc ở Mông Cổ.
Nhà thám hiểm William Lindesay cùng nhóm của mình đã tiến vào sa mạc Gobi mùa thu năm ngoái để tìm một bức tường cổ gần 1.000 năm tuổi.
Tuy nhiên, những gì ông tìm thấy lại là một phần của Vạn Lý Trường Thành được ghi lại lần cuối trong bản đồ từ thế kỷ 12 ở một trận đánh của Thành Cát Tư Hãn.
"Chúng tôi tìm thấy nó vào khoảng trưa ngày 20/2" - ông Lindesay nói.
Đoạn Vạn Lý Trường Thành mới được phát hiện.
Theo ông, đoạn tường thành này dài khoảng 99km được xây từ bùn và "saksoul" - một loại cây bụi trong vùng.
Ông Lindesay cũng đã từng tới Trung Quốc vào năm 1986 để thực hiện hành trình đi bộ dài 2.448km qua những tàn tích của Vạn Lý Trường Thành.
Ông đã tham gia vào chương trình nghiên cứu và bảo tồn công trình kiến trúc này và đã đạt được một huân chương danh dự vào năm 2006.
Ông đã tiến hành tìm kiếm trong Gobi từ năm 1997 sau khi có được tấm bản đồ chiến sự của Thành Cát Tư Hãn trong đó có hình ảnh của một bức tường cổ.
Ông Lindesay tin rằng bức tường được xây dựng vào khoảng năm 120 trước công nguyên nhằm bảo vệ khu vực này trước các cuộc tấn công của người Hung Nô.
Tuy nhiên, một số mẫu thử nghiệm lại cho thấy có đoạn tường được xây trong khoảng thế kỷ 11 hoặc 12.
Theo giả thuyết của Lindesay, có thể bức tường đã được xây lại bởi người con trai thứ 3 của Thành Cát Tư Hãn là Oa Khát Đài (Ogedei Khan).