Người cao tuổi cần làm gì để ngủ ngon?

Để bảo đảm sức khỏe, sự minh mẫn, mỗi người cần duy trì giấc ngủ để tái tạo năng lượng. Ở người trẻ tuổi, số giờ ngủ thường nhiều hơn ở người cao tuổi từ 2-3 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, chất lượng giấc ngủ mới là vấn đề cần được quan tâm để người cao tuổi có cuộc sống thoải mái, khỏe mạnh, có ích.

Vậy người cao tuổi cần làm những gì để có được giấc ngủ sâu, không chập chờn, thao thức, thậm chí mất ngủ?

Đối với người cao tuổi, có người trằn trọc suốt đêm không ngủ được, có người ngủ rất ít, có người ngủ rất sớm nhưng khoảng 2-3 giờ sáng đã thức giấc mà không sao ngủ lại được. Có người ngủ được nhưng giấc ngủ chập chờn hay có chiêm bao và đáng ngại nhất là có những cơn ác mộng.

Vì sao lại như vậy? Có nhiều lý do lý giải cho vấn đề này: người cao tuổi ngủ không ngon, không sâu do bệnh tật như đau nhức xương, khớp nhất là lúc thời tiết thay đổi, u xơ tiền liệt tuyến gây tiểu đêm, ho nhiều về đêm do giãn phế quản mạn tính; do môi trường xung quanh như nhà ở chật chội, có nhiều tiếng ồn. Bên cạnh đó, người cao tuổi không ngủ được còn do tâm lý thường nghĩ về quá khứ, hay lo lắng và dễ xúc động...

Người cao tuổi cần làm gì để ngủ ngon?

Giải quyết vấn đề này tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, tùy thuộc vào điều kiện của từng người và từng khu vực khác nhau (thành thị, nông thôn, miền núi...), nhưng tựu trung có mấy vấn đề chính sau đây:

Về chế độ ăn uống

Thức ăn và nước uống có những loại làm cho giấc ngủ ngon lành hơn nhưng cũng có những loại lại gây trằn trọc, khó ngủ. Dù ăn, uống như thế nào cũng phải bảo đảm đủ 3 chất chủ yếu: đạm (thịt, cá...), đường (gạo, bánh mì...) và mỡ (mỡ động vật và dầu thực vật, nhưng chủ yếu là dầu thực vật). Người cao tuổi nên ăn những thức ăn dễ tiêu và có nhiều vitamin B1, loại giàu chất khoáng như rau (rau muống, mồng tơi), quả (cam, quýt, đu đủ chín)...; thịt lợn, thịt gà, cá tươi, đậu phụ, sữa đậu nành.

Đặc biệt, người cao tuổi không nên uống rượu, bia. Vì rượu có khả năng làm tổn hại tế bào gan. Nếu có uống thì nên uống chút rượu vang khai vị (trừ những người có bệnh tim mạch, dạ dày), tuy nhiên lượng rượu cũng không nên vượt quá 100ml/ngày. Người cao tuổi nên tránh những loại nước uống gây mất ngủ như cà phê và những nước uống có chất cafein như Pepsi, Coca Cola. Nên tránh xa khói thuốc lá (không hút thuốc lá; vận động những thành viên trong gia đình và hàng xóm bỏ thuốc lá).

Luyện tập thể thao

Hình thức luyện tập thể thao tương đối phù hợp với người cao tuổi là tập dưỡng sinh một cách đều đặn. Cần tập đúng bài bản, tốt nhất là có người hướng dẫn chu đáo trước rồi truyền đạt lại cho những người khác. Ví dụ, các câu lạc bộ của người cao tuổi hoặc các nhóm người cao tuổi ở từng cụm dân cư, từng tổ dân phố, từng xóm, từng làng...

Nơi tập cần bảo đảm vệ sinh, thoáng mát, tránh gió lùa, nhất là mùa lạnh, tốt nhất có cả nơi ngồi nghỉ, tránh mưa, gió đột ngột.

Phải tập từ động tác dễ đến động tác khó và trước lúc đi vào tập bài cụ thể nên có khởi động thân thể một cách nhẹ nhàng. Tập những động tác bắt đầu từ cổ, tay, thân mình, chân. Các động tác phối hợp càng nhịp nhàng càng tốt. Tuy nhiên người cao tuổi đôi khi tập các động tác này ở các giai đoạn đầu còn khó, cho nên phải kiên trì và nhẫn nại. Điều quan trọng là cùng một động tác nhưng tùy theo sức của từng người mà có cách tập với cường độ khác nhau. Không nên tập quá sức mình, để cho sau mỗi lần tập thấy thoải mái, nhẹ nhõm.

Ngoài tập thể dục dưỡng sinh, còn có thể đi bộ, đạp xe đạp, chơi cầu lông... Đi bộ thì có thể từng cá nhân, vài ba người, từng nhóm. Đi bộ cũng nên tuân theo chỉ dẫn, ví dụ như không nên đi nhanh quá, không nên đi dài quá, không nên đi vào lúc nắng gắt hoặc thời tiết quá lạnh. Sau khi ăn no cũng chưa nên đi bộ. Nên đi chậm, bước đi nhẹ nhàng, vừa đi vừa hít vào, thở ra nhịp nhàng.

Tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ, đánh cầu lông, đi xe đạp, khi luyện tập đều đặn sẽ trở thành thói quen và làm được như vậy sẽ kéo dài tuổi thọ vì làm tăng sức đề kháng, khí huyết lưu thông, giúp cho việc ăn uống, hấp thu tốt, tinh thần sảng khoái và đưa đến giấc ngủ ngon lành. Đối với những người cao tuổi có cân nặng quá mức cho phép thì tập thể dục dưỡng sinh và đi bộ sẽ thúc đẩy quá trình chuyển hóa năng lượng, tránh dư thừa mỡ và dần dần giảm cân, ở chừng mực nào đó bệnh tim mạch cũng giảm dần đi.

Có nên tắm sau khi tập thể dục?

Sau khi tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ, đánh cầu lông, đi xe đạp, tùy theo sức khỏe của từng người mà có tắm hay không. Có thể tắm nhưng phải nghỉ ngơi cho hết mồ hôi, nhịp tim trở về trạng thái ban đầu. Đối với người có tăng huyết áp khi tập cũng như sau tập cần nhẹ nhàng, tránh tập những động tác nặng, gắng sức, sau tập nên lau mình bằng nước ấm. Dù là khỏe hay yếu sau tập nên xoa bóp cơ, khớp nhẹ nhàng và nên đấm bóp lưng bằng tay hay bằng dụng cụ chuyên dụng.

Nếu thực hiện tốt các vấn đề vừa nêu trên thì giấc ngủ của người cao tuổi sẽ tốt hơn nhiều.

BS. BÙI MAI HƯƠNG

Theo Sức khỏe & Đời sống, Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video