Khi phải đưa ra quyết định về một vấn đề, những người có đầy đủ thông tin thường lựa chọn giải pháp mang lại sự thỏa mãn ngắn hạn chứ không quan tâm tới những lợi ích lâu dài.
Science Daily cho biết, các nhà tâm lý của Đại học Texas, Mỹ tuyển 78 người để thực hiện một nghiên cứu về vai trò của thông tin đối với hành vi ra quyết định của con người. Nhóm chuyên gia yêu cầu tình nguyện viên tham gia một trò chơi trên máy tính. Trong trò chơi này, máy tính đưa ra 250 câu hỏi tình huống để người chơi đưa ra quyết định. Mỗi câu hỏi có hai lựa chọn A và B, trong đó lựa chọn A mang lại nhiều điểm hơn. Nhiệm vụ của tình nguyện viên là tích lũy càng nhiều điểm càng tốt. Số điểm càng lớn thì tiền thưởng mà họ nhận sẽ càng cao.
Nhóm nghiên cứu nói với một số người chơi rằng những lựa chọn B tuy được tính ít điểm hơn nhưng chúng sẽ mang lại cho họ thêm nhiều điểm thưởng trong những câu hỏi sau. Trên thực tế tổng số điểm mà những lựa chọn B mang lại cao hơn hẳn so với những lựa chọn A. Những người còn lại trong nhóm tình nguyện viên không biết thông tin này hoặc được cung cấp thông tin giả về lợi ích của những lựa chọn B.
Kết quả cho thấy những người biết đầy đủ thông tin về lợi ích của lựa chọn B lại có xu hướng lấy lựa chọn A nhiều hơn. Ngược lại, đa số những người còn lại nghiêng về lựa chọn B.
"Chúng ta thường nghĩ con người càng có nhiều thông tin thì quyết định sẽ càng hợp lý, nhưng nghiên cứu của chúng tôi chứng tỏ điều ngược lại", giáo sư Bradley Love, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Hành vi ra quyết định của con người là đối tượng nghiên cứu của giới chuyên gia tâm lý trong nhiều năm qua. Nhưng thử nghiệm của Love là một trong những nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu cách thức ra quyết định của con người khi chúng ta phải ra quyết định liên tục trong thời gian ngắn.
"Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu con người không gặp mâu thuẫn trong quá trình ra quyết định. Nhưng mọi vấn đề của chúng ta đều có xung đột giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài", Love bình luận.