May mắn sống sót trong tai nạn hy hữu, nhà khoa học Anatoli Petrovich Bugorski có một nửa gương mặt không bị lão hóa suốt hàng chục năm sau khi bị chùm tia proton chiếu vào.
Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, con người đã khám phá rất nhiều bí ẩn trong nhiều lĩnh vực. Cùng với sự xuất hiện các sản phẩm công nghệ cao, một khái niệm gọi là " bức xạ " ra đời.
Bức xạ là một loại sóng vô hình, trong cuộc sống có thể tìm thấy chúng ở các thiết bị điện tử được sử dụng trong gia đình.
Vậy loài người có thể sống trong một thế giới không có bức xạ không? Các nhà khoa học đã chứng minh rằng khi bất kỳ vật chất nào trong vũ trụ cao hơn độ không tuyệt đối, nó sẽ tạo ra năng lượng bức xạ, nhưng theo định luật thứ ba của nhiệt động lực học, không dễ dàng đạt đến độ không tuyệt đối.
Ngoài ra, bức xạ còn được chia thành bức xạ ion hóa và bức xạ không ion hóa, sự khác biệt lớn nhất nằm ở sự chênh lệch năng lượng giữa hai loại. Trong số đó, năng lượng của bức xạ ion hóa lớn hơn, nếu cơ thể con người bị chiếu xạ trực tiếp thì rất có thể làm thay đổi trình tự DNA, từ đó gây ung thư hoặc thậm chí trực tiếp gây tử vong.
Bức xạ không ion hóa là một sóng điện từ tương đối yếu, và năng lượng của nó tương đối yếu so với bức xạ ion hóa, về cơ bản không gây hại nhiều cho cơ thể con người.
Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ trước, cộng đồng vật lý toàn cầu đã tạo ra một thiết bị mới - máy va chạm hạt. Nguyên lý hoạt động của thiết bị cũng tương đối đơn giản, cho phép hai chuỗi hạt năng lượng cao va chạm khi lại gần chùm tia, bằng cách này chúng ta thu được hàng trăm hạt.
Máy Gia tốc hạt Lớn (LHC) luôn là tâm điểm thu hút sự chú ý kể từ khi ý tưởng thiết kế ra đời năm 1984. Trong nhiều năm, đây là nguồn cung cấp vô số phát hiện quý giá cho giới nghiên cứu vật lý. Cỗ máy thực sự là một thành tựu kỹ thuật giúp con người hiểu rõ những quy luật cơ bản của vũ trụ, theo Science Alert.
Máy Gia tốc hạt Lớn của Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu ở Thụy Sĩ. (Ảnh: CERN).
Tuy nhiên, việc mắc kẹt đầu trong máy gia tốc có thể đem lại hậu quả đáng sợ và một nhà khoa học người Nga từng trải qua tình cảnh đó. Theo Daven Hiskey, tác giả cuốn sách Today I Found Out, câu chuyện bắt đầu vào ngày 13/7/1978, khi nhà khoa học Anatoli Petrovich Bugorski làm việc tại Synchrotron U-70, một cỗ máy gia tốc hạt của Xô Viết.
Trong lúc làm việc ở cơ quan, Bugorski dựa vào máy gia tốc hạt để kiểm tra một mẩu thiết bị có vấn đề. Ông vô tình để đầu lia qua chùm proton tốc độ cao và trông thấy chớp sáng "chói hơn một nghìn Mặt trời gộp lại". Dù bắt gặp hình ảnh kỳ lạ, Bugorski không cảm thấy đau đớn nhưng vẫn chịu nhiều thương tổn.
Để hiểu đầy đủ mức độ thương tổn mà chùm tia gây ra ở đầu Bugorski trong vòng vài giây, đầu tiên chúng ta cần biết về đơn vị đo mang tên gray (Gy). Theo Hiskey, gray là đơn vị đo năng lượng hấp thụ từ bức xạ ion hóa. Một gray tương ứng với sự hấp thụ một joule năng lượng bức xạ bởi một kilogram vật chất.
Nhà khoa học người Nga Anatoli Petrovich Bugorski. (Ảnh: Wikipedia).
Thông thường, khoảng 5 gray là đủ giết chết một người và điều này xảy ra sau khoảng 14 ngày tiếp xúc với bức xạ. Chùm tia chiếu xuyên qua đầu Bugorski được xếp ở mức 2.000 gray. Khi thoát ra ngoài, chùm tia đạt mức 3.000 gray. Ở mức cao như vậy, chùm tia có thể tạo ra một lỗ thủng xuyên qua mặt Bugorski nhưng kết quả lại khác.
Dù lúc đầu Bugorski có vẻ vẫn ổn, chùm tia siêu mạnh này khiến nửa trái đầu của ông mất kiểm soát và một phần da bong tróc tại vị trí chùm tia chiếu vào và đi ra từ sọ ông. Nó cũng gây bỏng theo một đường thẳng xuyên qua não Bugorski, dù ông không bị suy giảm trí tuệ.
Sau đó, bởi vì chùm tia proton đi vào mặt trái từ sau đầu nên phần mặt này có khả năng trẻ mãi không già. Dù đã mấy chục năm trôi qua, khuôn mặt bên phải của Bugorsky đầy nếp nhăn nhưng khuôn mặt bên trái không hề có dấu hiệu lão hóa nên còn được gọi là "khuôn mặt âm dương".
Tuy nhiều bác sĩ thông báo Bugorski chắc chắn sẽ chết vào bất kỳ lúc nào, đến nay ông vẫn sống nhưng phải gánh chịu một số hậu quả. Ông bị mất khả năng nghe ở tai trái, trải qua những cơn tai biến, và liệt một nửa mặt. Nhưng tất cả không thể ngăn ông giành bằng tiến sĩ sau này.
Một trong những phát hiện kỳ lạ nhất từ tai nạn là chùm hạt proton có thể ngăn chặn những nếp nhăn trên da, bởi một nửa mặt bị chùm hạt chiếu qua của Bugorski dường như không hề lão hóa kể từ sau đó.