Người đầu tiên trên thế giới sống nhiều ngày bằng tim titan

Một người đàn ông 58 tuổi ở Mỹ trở thành người đầu tiên trên thế giới được thay tim bằng tim titan, giúp ông sống tốt trong thời gian chờ tim hiến tặng.

Trái tim nhân tạo toàn phần (TAH) bằng titan do Công ty thiết bị y tế BiVACOR (Mỹ) thiết kế, với mục đích thay thế toàn bộ chức năng của tim người trong thời gian lâu nhất có thể.


Trái tim titan được thử nghiệm trên bàn thí nghiệm của BiVACOR - (Ảnh: BiVACOR).

Trái tim này không được thiết kế để đập như trái tim thật, cũng không có các buồng tim linh hoạt hay các màng bơm. Tuy nhiên, nó đủ mạnh để hỗ trợ một người đàn ông tập thể dục và đủ nhỏ để phù hợp với hầu hết đàn ông và phụ nữ.

Theo BiVACOR, tim titan nhỏ cỡ nắm tay và không thể phá vỡ, chống ăn mòn và hao mòn cơ học. Bộ phận duy nhất chuyển động của tim là một rotor lơ lửng nhờ từ tính được giấu sâu bên trong, giúp bơm máu tới phổi và các phần còn lại của cơ thể. Vì rotor quay không tiếp xúc với bề mặt nào nên không bị ma sát và hao mòn theo thời gian.

TAH được cấp năng lượng từ một thiết bị điều khiển nhỏ, di động, gắn bên ngoài. BiVACOR đã mất 10 năm với rất nhiều thiết kế và hàng chục nghiên cứu trên động vật mới có thể tạo ra TAH được đưa vào lồng ngực bệnh nhân đang suy tim giai đoạn cuối.

Theo trang ScienceAlert ngày 2-8, bệnh nhân 58 tuổi nói trên được thay tim titan tại Trung tâm Y tế Baylor St. Luke thuộc Viện Tim Texas (Mỹ) và không gặp biến chứng nào. Bác sĩ của bệnh nhân cho biết tim titan hoạt động rất tốt trong 8 ngày trước khi bệnh nhân nhận được tim thật do người khác hiến tặng.

"Tôi vô cùng tự hào khi chứng kiến ca ghép TAH đầu tiên trên người thành công. Thành tựu này sẽ không thể đạt được nếu không có lòng dũng cảm của bệnh nhân đầu tiên và gia đình, sự tận tâm của nhóm chúng tôi và các chuyên gia tại Viện Tim Texas", ông Daniel Timms, nhà sáng lập BiVACOR, nói.


Trái tim nhân tạo toàn phần làm từ titan - (Ảnh: BiVACOR).

Ngày nay, phương án điều trị tốt nhất cho người suy tim nặng là thay tim được hiến tặng, song không phải lúc nào nguồn tạng này cũng có sẵn kịp thời. Mỗi năm trên thế giới có chưa đến 6.000 ca ghép tim.

Do đó tim nhân tạo là một phương pháp thiết yếu, để kéo dài và cải thiện chất lượng sống của các bệnh nhân đủ điều kiện ghép tim nhưng có nguy cơ tử vong sớm trước khi nhận được tim hiến tặng.

Tim titan "đập" suốt 4 năm

Trong 20 năm qua, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) chỉ phê duyệt cho tim nhân tạo toàn phần SynCardia, có kích thước lớn và không bền khi nằm trong cơ thể thời gian dài.

TAH được ca ngợi là "bước chuyển mình" trong thiết kế tim nhân tạo có độ bền lâu. Hiện chưa rõ TAH có thể hoạt động bao lâu trong cơ thể người, song trên bàn thí nghiệm, thiết kế này đã hoạt động suốt 4 năm và vẫn đang tiếp tục.

Tháng 11-2023, BiVACOR được FDA phê duyệt thực hiện ghép tim cho tối đa 5 bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối trong năm 2024. Với ca ghép tim thành công đầu tiên, sẽ có thêm nhiều bệnh nhân được thay tim trong thời gian tới.

Cập nhật: 05/08/2024 Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video