Hải sản là món ăn ưa thích của rất nhiều người, tuy nhiên ăn hải sản chưa được nấu chín có thể gây nguy hiểm cho tính mạng, trường hợp của cô gái ở Đài Loan là một minh chứng.
Một phụ nữ trẻ ở Đài Loan đột nhiên bị đau bụng dữ dội sau khi ăn hải sản vào bữa tối, ngay cả khi được uống thuốc giảm đau trong bệnh viện cũng không có hiệu quả. Sau đó mới phát hiện ra nguyên nhân chính là có ký sinh trùng màu trắng gần như trong suốt, liên tục cắn vào thành dạ dày của bệnh nhân.
Ký sinh trùng cắn thành dạ dày. (Nguồn: Su Zhisheng).
Theo bác sĩ Tô Chí Thành thuộc Khoa Gan mật và Tiêu hóa của Bệnh viện Đài An tại Đài Loan cho biết, bệnh nhân 28 tuổi đột nhiên bị đau bụng dữ dội, đau đến nỗi không thể nói chuyện được. Lúc đầu, bác sĩ cho rằng đó là một trường đau bụng cấp, nhưng sau khi xem xong hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, thì bác sĩ loại trừ các trường hợp bệnh nghiêm trọng như vỡ động mạch chủ, thủng đường tiêu hóa, có thai ngoài tử cung.
Bước đầu cũng loại trừ các bệnh như viêm tuyến tụy cấp tính, sỏi mật cũng có nguyên nhân thường thấy là đau bụng. Vì không tìm ra được vấn đề, nên bác sĩ quyết định cho bệnh nhân nội soi dạ dày.
Có ký sinh trùng trong dạ dày. (Nguồn: Su Zhisheng).
Khi nội soi dạ dày mới phát hiện, niêm mạc dạ dày bị sưng, viêm dạ dày có xuất huyết. Bác sĩ sau khi xem xét tỉ mỉ và phát hiện tại nếp gấp của niêm mạc dạ dày có một con ký sinh trùng màu trắng gần như trong suốt. Con ký sinh trùng đang vùng vẫy, cắn vào thành dạ dày, là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân bị đau bụng dữ dội.
Khi bác sĩ sau khi lấy ký sinh trùng ra, sau đó cho vào một cái lọ, ký sinh trùng vẫn ngọ nguậy khoảng vài phút mới đứng im bất động. Sau khi xét nghiệm phát hiện, đây là loại ký sinh trùng có tên giun Anisakis, thường thấy trong hải sản.
Ăn hải sản nấu chưa chín rất dễ nhiễm ký sinh trùng.
Bác sĩ Tô Chí Thành cho biết: Thức ăn không được nấu chín là nguyên nhân khiến ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể thông qua ăn uống, đặc biệt là các loại hải sản tươi sống. Ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ra tình trạng đau bụng cấp tính, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, dị ứng.
Giun Anisakis nguy hiểm như thế nào?
Giun Anisakis đã được hai nhà khoa học Skirejabin và Karokhin phát hiện từ năm 1945, đây là loại giun tròn thường ký sinh ở những động vật biển, nó có hình thể gần giống như giun đũa Ascaris lumbricoides.
Giun trưởng thành sống ký sinh trong xoang bụng của các loài cá voi, cá heo, hải cẩu hoặc cò, diệt, bồ nông... Ấu trùng của giun ký sinh ở các loài cá như cá thu, cá hồi, cá trích, mực ống... Loài giun này phân bố khá rộng rãi ở các nước khắp nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam.
Giun Anisakis.
Người tình cờ bị mắc bệnh do ăn phải các loại gỏi cá sống hoặc cá, mực bị nhiễm ấu trùng giun chưa được nấu chín kỹ dưới mọi hình thức. Khi xâm nhập vào cơ thể, ấu trùng giun chui qua thành dạ dày hoặc ruột non và tạo nên những ổ áp xe ưa bạch cầu toan tính, gây phù nề, dày cứng niêm mạc thành dạ dày, ruột; triệu chứng này rất dễ nhầm với ung thư dạ dày, ruột hoặc viêm ruột... Bệnh nhân bị đau vùng thượng vị, nôn, mửa; thường xảy ra vài giờ sau khi ăn cá, mực bị nhiễm ấu trùng giun; kèm theo đó người bệnh bị sốt, xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng...
Hiện nay chưa có các loại thuốc điều trị đặc hiệu đối với những trường hợp bị nhiễm ấu trùng giun Anisakis. Việc phòng bệnh tốt nhất là không nên ăn gỏi cá sống, chỉ nên ăn cá, mực đã được nấu chín kỹ; không ăn cá muối, cá hun khói.
Mặc dù đây là một loại bệnh ký sinh trùng do bị nhiễm ấu trùng giun Anisakis ít gặp vì điều kiện phát hiện còn hạn chế nhưng mọi người cần nên cảnh giác, coi chừng bị nhiễm bệnh từ việc ăn các loài hải sản như cá, mực chưa được nấu chín, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.